Trước đây, các nhà khoa học từng cho rằng gene FTO là "thủ phạm" chính gây ra béo phì bởi có mối liên hệ khá rõ ràng giữa những biến thể trong gene và tình trạng dư thừa mỡ của cơ thể người. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy những biến thể này thực sự thay đổi chức năng của gene FTO.
Béo phì là một căn bệnh của xã hội hiện đại.
Chính vì vậy, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Chicago đã tiến hành những thử nghiệm trên phôi của chuột và cá ngựa, não của chuột trưởng thành và các tế bào cơ thể người, trong đó có các tế bào não. Kết quả cho thấy thay vì tác động tới gene FTO, những biến thể trong gene này lại gây ra phản ứng ở một gene hoàn toàn khác là IRX3. Cụ thể, các biến thể này dẫn tới sản xuất dư thừa protein IRX3 trong não, có khả năng tác động tới vùng não điều khiển sự đói khát, nơi kiểm soát sự trao đổi chất và cảm giác ngon miệng.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng tiến hành phân tích cơ thể chuột không có gene IRX3. Những con chuột này ít bị béo phì và tiểu đường, đốt cháy năng lượng nhiều hơn và nhẹ hơn khoảng 30% so với những chú chuột mang gen IRX3, mặc dù chúng có chế độ ăn và hoạt động tương tự.
Từ kết quả trên, các nhà khoa học đã nhận định gene IRX3 điều chỉnh sự trao đổi chất trong cơ thể. Các nhà khoa học cho biết những con chuột thiếu một loại gene gọi là IRX3 có trọng lượng nhẹ hơn gần 1/3 so với các con khác mang gene này.
Trong khi đó, ở người cũng tồn tại loại gene có chức năng tương tự, phần nào lý giải nguyên nhân một số người có xu hướng béo phì cao hơn những người khác.
Nguồn www.chinhphu.vn