Vẻ đẹp áo dài phụ nữ Chăm

(NTO) Có thể nói nhiều lĩnh vực trong nền văn hóa Chăm nói chung có quá nhiều giá trị đặc sắc thì trang phục hiện ra như một hình thức tinh hoa gắn chặt với việc mặc của người Chăm, trong đó áo dài phụ nữ là nét e ấp, tạo ra vẻ đẹp không chỉ hình dáng mà cả tâm ý, đức tính đầy nữ tính giữa xứ sở Phan Rang.

Tất cả chúng ta khi về đến làng Chăm, hoặc tham dự một lễ hội Chăm, một chương trình nghệ thuật Chăm… đều luôn ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của người phụ nữ Chăm e ấp, uyển chuyển trong chiếc áo dài độc đáo và đặc sắc.

Thiếu nữ Chăm với trang phục áo dài truyền thống trong ngày hội Katê.
Ảnh: Sơn Ngọc

Thật ra người Chăm hiện nay còn gìn giữ lưu truyền trang phục tộc người riêng biệt cho cả đàn ông lẫn phụ nữ, bởi họ có một truyền thống trồng bông, dệt vải lâu đời và phát triển ở một trình độ cao mà ngày nay chúng ta còn nhận biết các làng dệt thổ cẩm nổi tiếng: Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ. Vì thế đàn ông có cả trang phục đầy đủ dành cho lao động, đi lễ hội, trang phục riêng biệt của chức sắc Bà la môn, chức sắc Hồi giáo, thầy cúng lễ… Bộ trang phục phụ nữ có nhiều loại từ khăn thổ cẩm đội đầu, trang sức đeo tai, cổ, vòng tay, nhẫn mưta (nhẫn mắt), áo ngắn, váy, chăn… nhưng đặc sắc nhất vẫn là chiếc áo dài lễ hội.

Phụ nữ Chăm vốn được dạy dỗ lễ nghi gia phong mẫu hệ từ tấm bé, lại tuân theo những giáo luật của Bà la môn hoặc Hồi giáo nên mọi ứng xử, biểu hiện ngoài cộng đồng đều có nét riêng, kín đáo. Đã thế và có lẽ thế nên người Chăm xưa đã hình thành một mẫu áo dài phù hợp với bối cảnh mẫu hệ và tôn giáo như đã nêu dành riêng cho phụ nữ.

Chỉ cần chứng kiến một thanh nữ mặc áo dài múa trong lễ nghi cúng tháp nhân ngày hội Katê, chúng ta không khỏi trầm trồ bởi dáng uyển chuyển, thành thục khi múa những động tác độc đáo, lại gọn gàng. Tất cả những gì đẹp nhất, mềm mại nhất của vũ công e ấp kín đáo trọn vẹn trong chiếc áo dài muôn thuở đẹp đến vô cùng. Gần như bắt buộc, áo dài được may sát sao theo dáng người, cổ tròn, kín, tay may vừa sát cổ tay, không rộng như áo dài Việt, vải thường được lựa chọn vải tốt, nữ thanh niên chọn màu xanh nhạt, hồng, trắng, phụ nữ lớn tuổi chọn màu tối sẩm hơn. Có lẽ hình như quy luật các dân tộc đều thế cả, tuổi trẻ bao giờ cũng thích sáng, tươi nguyên màu sắc, người già thì chìm vào suy tư. Điều khác biệt lớn nhất so với áo dài phụ nữ Việt là không xẻ tà áo hai bên, nên không thể và không hề: “tung bay tà áo tung bay” được. Đó là khác biệt chứ không phải đẹp hơn hay đẹp kém hơn.

Cứ như thế, áo dài phụ nữ Chăm là một phần của bản sắc văn hóa Chăm, của tinh túy người xưa lưu lại, nó thể hiện cả đức tính, sự ý nhị kín đáo của phụ nữ theo chế độ mẫu hệ.

Lần theo sử cũ: dường như áo dài phụ nữ Việt ngày nay nổi tiếng thướt tha giữa thế giới bốn biển năm châu, đi vào thơ nhạc cũng có liên quan áo dài phụ nữ Chăm. Sử cũ ghi: Các Chúa Nguyễn sau khi yên vị “vạn đại dung thân” ở xứ Đàng Trong, lấy Phú Xuân làm kinh đô. Đến đời thứ 8 là Chúa Nguyễn Phúc Khoát bỗng có câu sấm truyền: “Bát đại thời hoàn Trung đô”, Chúa lo lắng nên chủ trương cải đổi văn hóa, trong Triều cải đổi lễ nhạc, ngoài dân gian đổi phong tục để khác Đàng Ngoài. Trong đó cải cách phụ nữ mặc quần ống, cấm mặc váy, nên có câu: “không đi thì chợ không đông…”. Về áo dài, Chúa sai Triều thần nghiên cứu áo dài phụ nữ Chăm, không xẻ tà áo, và áo dài phụ nữ Thượng Hải, xẻ tà đến đầu gối để hình thành chiếc áo dài phụ nữ Việt như ngày nay. (1)

Lịch sử sáng tạo, giao thoa, giao lưu văn hóa là thế. Và đến hôm nay, áo dài phụ nữ Chăm, áo dài phụ nữ Việt vẫn là một dạng bản sắc văn hóa quý giá của Việt Nam ta.

----------------------

(1) Nguyễn Đắc Xuân: Chuyện cũ cố đô, Hội VHNT Bình Trị Thiên xuất bản, 1987.