Phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

(NTO) Cúm gia cầm H5N1, H7N9, H10N8… đang có dấu hiệu phát triển nhanh ở các nước láng giềng. Việt Nam đã có một số địa phương xuất hiện cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm và có 02 ca tử vong do mắc bệnh Viêm phổi nặng dương tính với virus cúm A H5N1; tỉnh Ninh Thuận qua xét nghiệm cũng tìm thấy virus cúm A H5N1 trên đàn gia cầm.

 Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm từ sang người, đề nghị mọi người thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

- Không ăn tiết canh gia cầm, gia súc hoặc động vật hoang dại;

- Không giết mổ, ăn thịt, gia cầm bệnh, chết. Thông báo ngay cho Thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý đúng chuyên môn.

- Không bán chạy đàn gia cầm khi phát hiện có gia cầm bệnh, chết trong đàn. Thông báo ngay cho Thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý đúng chuyên môn.

- Không mua gia cầm không rõ nguồn gốc, không ăn trứng, thịt gia cầm khi chưa nấu chín hoàn toàn.

- Nuôi gia cầm xa nơi ở và vệ sinh chuồng trại 1 lần/ tuần với vôi bột hoặc phun dung dịch Cloramin. Không nên tiếp xúc với gia cầm khi không cần thiết. (Không có gì bảo đảm gia cầm nào là an toàn khi chưa qua kiểm dịch nên không được chủ quan).

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên mặt, ngoáy mũi.

- Khi mắc bệnh cảm cúm, nếu thấy đau ngực, khó thở cần đến ngay bệnh viện để khám và chữa bệnh sớm.

- Những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, đi du lịch những vùng có dịch cúm gia cầm về phải quan tâm chú ý khi có hiện tượng sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay bệnh viện để khám và chữa bệnh sớm. Những người có tiếp xúc với người bệnh này phải tự nguyện khai báo để được theo dõi và thực hiện phòng chống dịch.