Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.Hồ Chí Minh nói về hội chứng sau Tết: “Điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là do ăn uống nhiều, dùng nhiều món khó tiêu, kèm theo men cay nên cơ thể… “ngập” trong nặng nề, mệt mỏi. Thứ nhì là trường hợp những người đi du lịch với chuyến đi dài, ngồi xe lâu khiến cơ thể mất nước. Thứ ba, những cuộc vui kéo dài khiến cho các thói quen bị thay đổi, trầm trọng nhất là thiếu ngủ, nhức đầu... Áp lực tâm lý còn có thêm nỗi lo cạn túi sẽ làm cho cơ thể thêm sức ì”.
Để giữ sức khỏe thì việc giảm rượu là lời khuyên của các bác sĩ, nhưng không mấy ai thực hiện được lời khuyên này. Trong trường hợp say xỉn, hãy sử dụng sắn dây pha với nước đun sôi để nguội. Đây là bài thuốc hiệu quả cao nhưng cái khó là phải trữ sẵn “thuốc giải rượu” này trong nhà. Ngoài ra, nước ép giá, dưa hấu, bưởi… cũng giúp giải rượu.
Phụ nữ ít uống bia rượu nên việc “giải tỏa” hội chứng sau Tết nhẹ nhàng hơn. Để không còn lưu luyến Tết, cần “động viên” cả nhà dọn dẹp nhà cửa, cây cảnh... Có thể “đuổi” cơn mệt mỏi sau chuyến đi dài ngày bằng cách ngâm chân vào nước nóng. Nhiệt độ ấm áp giúp máu huyết lưu thông nhanh, tăng cường đưa oxy đến các tế bào giúp thải nhanh chất cặn bã gây mệt mỏi. Tự xoa bóp những vùng đau nhức như: vai, lưng, cổ, gáy và chườm nóng sẽ thấy tinh thần sảng khoái và cơn đau nhức giảm dần. Dùng nước tắc ngâm muối, chanh tươi, nước me, sấu, mơ… cũng giúp “đánh thức” sự sảng khoái của cơ thể. Nếu không thích uống ngọt, nên dùng trà xanh thêm chút gừng. BS Phan Vương Huy Đổng hướng dẫn cách khởi động tinh thần làm việc: “Nên lên kế hoạch cho tuần làm việc đầu tiên. Có kế hoạch cụ thể, tinh thần phấn chấn, sẽ không bị hội chứng sau Tết… uy hiếp”.
Đ.H (Theo Báo Phụ nữ)