Bộ Y tế hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng

Để hạn chế tới mức thấp nhất những tai biến khi tiêm chủng ở trẻ, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn sàng lọc trước khi tiêm chủng riêng biệt cho trẻ em và sơ sinh.

Ảnh minh họa

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành hướng dẫn riêng về khám sàng lọc trước tiêm chủng và có các bảng kiểm tra trước tiêm chủng riêng biệt cho trẻ em và sơ sinh; có bảng kê cụ thể nhịp tim, nhịp thở của từng nhóm tuổi giúp cho việc khám sàng lọc trước tiêm vaccine.

Theo quy định được thực hiện ngay từ tháng 1/2014 này thì các trường hợp sau đây chống chỉ định tiêm vaccine:

Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước như: Sốt cao trên 39 độ kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở; Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan…

Trẻ suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh);

Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine...

Tạm hoãn tiêm vaccine với những trường hợp sau: Những trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng; trẻ sốt ≥ 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 độ C (đo nhiệt độ tại nách); trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B; trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày; trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2kg đều được khuyến cáo cần hoãn tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu bác sĩ, y sĩ trực tiếp thăm khám cho trẻ và ghi các thông tin của trẻ, trực tiếp đo và ghi kết quả nhiệt độ của trẻ khi không có điều dưỡng viên, hộ sinh viên.

Trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm chủng cần hỏi tiền sử và các thông tin có liên quan, đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại để đưa ra quyết định chống chỉ định tiêm, hoãn tiêm hay trẻ sẽ được tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết với những trường hợp trẻ tiêm phòng tại bệnh viện, theo đó, toàn bộ nội dung khám sàng lọc (như bảng kiểm) và y lệnh chỉ định tiêm phải được ghi trong hồ sơ bệnh án.

Với trường hợp bệnh viện không sử dụng bệnh án riêng cho trẻ sơ sinh: Toàn bộ nội dung khám sàng lọc được ghi theo bảng kiểm. Bảng kiểm được lưu trong hồ sơ bệnh án.

Nguồn Chinhphu.vn