Hãy cảnh giác cúm A/H5N1 ở gia cầm lây sang người

(NTO) Thời gian vừa qua, dịch cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N1 đã tái bùng phát trở lại. Đây là một loại bệnh dịch nguy hiểm, lan truyền rất nhanh và có thể gây dịch ở người rất khó kiểm soát.

Về cúm A/H5N1 ở gia cầm: Các loại gia cầm như gà, vịt, ngỗng, đà điễu, các loài chim nuôi và các loài chim hoang dã đều có thể bị mắc bệnh cúm A/H5N1. Khi phát hiện ở gia cầm có những biểu hiện bất thường trên cần báo cáo ngay cán bộ thú y và chính quyền địa phương sở tại biết để có biện pháp xử lý.

Về cúm A/H5N1 ở người: Những người từng tiếp xúc với gia cầm bị cúm A/H5N1 hoặc người bị bệnh cúm A/H5N1 trước khi phát bệnh 7 ngày, hoặc người đang ở vùng có dịch cúm gia cầm có thể bị bệnh cúm A/H5N1 với các biểu hiện sau: ban đầu là các triệu chứng của cúm A điển hình với các dấu hiệu đau đầu, đau mình mẩy; sốt cao trên 38oC, có dấu hiệu viêm long đường hô hấp như chảy nước mũi, hắt hơi, người mệt mỏi, ăn ngủ kém, có thể có rối loạn tiêu hóa. Các dấu hiệu trên kéo dài 2-5 ngày nếu không có biến chứng hoặc bội nhiễm, bệnh nhân sẽ phục hồi sau một vài tuần. Nhưng nếu mắc cúm A/H5N1, ngoài các triệu chứng giống như bệnh cúm A điển hình kể trên, thì bệnh cúm A/H5N1 diễn biến rất nhanh với các biểu hiện của viêm phổi rất nặng: ho khan, đau tức ngực, khó thở, tím tái, nghe phổi có ran. Khi thăm khám cận lâm sàng thấy các dấu hiệu X-quang phổi có hình ảnh viêm phổi kẽ, không điển hình, với đám mờ lan tỏa nhanh. Bệnh thường tiến triển với mức độ rất nhanh dẫn tới suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, và có thể suy nhiều phủ tạng khác cùng lúc kèm theo, có rối loạn ý thức và dẫn tới tử vong.

Để phòng chống cúm A/H5N1 lây sang người chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

- Vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm và sau khi đi vệ sinh. Bảo đảm vệ sinh cá nhân hằng ngày. Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh. Chỉ ăn thịt, sản phẩm từ gia cầm, thủy cầm có nguồn gốc rõ ràng và đã được kiểm dịch, nhưng phải nấu chín kỹ mới ăn. Không ăn tiết canh, đặc biệt là tiết canh vịt. Sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng hằng ngày.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính mũ, áo bảo hộ, ủng, găng tay, và nhớ rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc. Những người mắc các bệnh mãn tính, sức đề kháng kém có nguy cơ biến chứng cúm cao hơn, cần tránh tiếp xúc với người bệnh.

- Tăng cường sức đề kháng và khả năng phòng bệnh bằng cách: ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi, rèn luyện thể dục thể thao hợp lý. Những người tiếp xúc với nguồn bệnh cần thực hiện chế độ dự phòng cá nhân đặc biệt theo quy định.