Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy là đã phát sinh nhiều “hệ lụy” trong quá trình thi công một số công trình. Điều dễ nhận ra đó là thi công chậm nếu không muốn nói là quá chậm.
Trung tâm Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Chỉ tính công trình thi công hệ thống thoát nước trên tuyến đường 21 Tháng 8 từ Phan Rang lên Tháp Chàm. Qua nhiều tháng thi công bởi nhiều nhà thầu, đến cuối năm 2013 “cơ bản” là xong phần đào, lấp đất đường cống, còn một số hố đào (có lẽ là làm hố ga) thì chưa xong và … để đó chưa biết bao giờ được tiếp tục.! Ngay cả phần đường bị đào do “lấp vội” nên một số đã bong lớp đất đá tạo các gờ giữa đường và hầu hết các phương tiện đều chỉ đi trên đường nhựa còn phần đường “đào lấp” kia do gồ ghề bởi đất đá bụi nên ngại đi ngoại trừ… tránh xe.
Câu chuyện như thế thì không có gì đáng phải bàn cho “to” mà cái cần nói là đã ảnh hưởng rất lớn đến việc làm ăn và đời sống dân sinh ở dọc theo tuyến đường thi công trên 5 cây số kia. Nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa nhiều tháng vì trước nhà bị đào thành rãnh sâu, ngay cả việc đi lại đã khó nói gì đến kinh doanh. Tiếp đến là bụi bẩn bay “thốc” vào nhà, nhất là thời điểm vào “mùa” gió từ các tháng trước tết đến nay làm môi trường ô nhiễm nặng…
Trách nhiệm này “tất nhiên” là thuộc về đơn vị thi công bởi làm chậm, làm không bảo đảm theo các quy chuẩn ít nhất là môi trường… Vậy còn Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án liệu có “vô can”? Nhất là từ khâu chọn đơn vị thi công thiếu năng lực đến khâu đôn đốc, nhắc nhở trong quá trình thi công!. Và cũng đừng đổ cho “tại”, “bởi”… Có người đặt vấn đề: Có lẽ những đơn vị có trách nhiệm này do không được “thụ hưởng” cái khổ của người dân nên thiếu nhiệt tình kiểm tra, thiếu cương quyết trong xử lý đơn vị thi công làm chậm…, chăng?
Suy cho cùng đồng thuận và chấp nhận những "bất lợi" của cá nhân cho sự phát triển chung là cần thiết nhưng cũng đừng để kéo dài dẫn đến vừa “đảo lộn” cả việc làm, thu nhập và cuộc sống của người dân như đã nêu trên.
Tuấn Dũng