Từ đó, tôi bắt đầu hình thành thói quen săm soi xuất xứ hàng hóa khi la cà ở các cửa hàng hay siêu thị đồ tiêu dùng ở Nhật. Cái chính không phải để tìm hàng “made in Japan” mà muốn tự khảo sát tỷ lệ hàng “made in Vietnam”. Kết quả cho tôi thêm nhiều thú vị, lẫn vui sướng. Mỗi lúc tôi càng phát hiện có nhiều món hàng hay sản phẩm đến từ đất nước mình, quần áo, giầy dép,…
“Rổ, rá” Việt Nam tại cửa hàng 100 yên ở Osukannon, Nagoya, Nhật Bản.
Sản phẩm Việt, có thể đó là hàng gia công cho các thương hiệu quốc tế đình đám, cũng có thể là sản phẩm thông qua thương mại trực tiếp. Điều đáng nói, không chỉ vào và sống được ở một thị trường khó tính, nhiều sản phẩm “made in Vietnam” này còn được bày bán khá sang trọng trong các cửa tiệm nổi tiếng của Nhật.
Cũng với thói quen cũ, mới gần đây, khi có dịp ghé qua điểm du lịch nổi tiếng của Nagoya (tỉnh Aichi), đền Osukannon, tôi đã tranh thủ “nghiên cứu thị trường”. Đứng trước kệ hàng đan lát của cửa hàng 100 yên (các sản phẩm đều đồng giá 100 yên), tôi đã nghĩ ngay đó là hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Nhưng có chút thất vọng khi tôi cầm sản phẩm lên xem, vì dòng chữ tôi đọc được là “Made in China”.
Khó phủ nhận sự thật là trong hệ thống các cửa hàng này, hàng tiêu dùng Trung Quốc là kỳ phùng địch thủ. Nhưng không lẽ, Việt Nam, nơi nhiều khách hàng đã biết về những sản phẩm đan lát như thế này lại không có mặt ở đây?
Tôi lại cầm lên sản phẩm khác, rồi sản phẩm khác… Cuối cùng, tôi cũng đã thấy được những mẫu sản phẩm của Việt Nam được xếp bên cạnh sản phẩm của Trung Quốc.
Thoáng vui trở lại. Nhưng thật lòng tôi vẫn đủ tỉnh táo để trăn trở. Rằng, điều đó cho thấy những thứ mà chúng ta làm được thì một số nước khác cũng sản xuất được, thậm chí còn “hời” hơn ta nếu sản phẩm của họ bắt mắt hay giá mềm hơn.
Vậy nên, để chạy đường xa, chúng ta phải luôn đi tìm và tạo ra các giá trị khác biệt cho sản phẩm, và biến nó thành một loại lợi thế mới. Chừng nào, người mua trong cái cửa hàng 100 yên này thò tay bốc lấy rổ rá của Việt Nam chứ không phải hàng của Trung Quốc; chừng nào hàng Trung Quốc buộc phải lui dần và ít xuất hiện hơn trên kệ hàng cùng loại thì quá trình tìm kiếm giá trị mới, tạo ra lợi thế so sánh mới mới được gọi là có kết quả bước đầu.
Du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm sản phẩm gốm Bàu Trúc.
Tôi lại nhớ đến những sản phẩm đặc sệt những nét riêng từ các làng nghề nơi quê nhà: gốm Bàu Trúc, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và chiếu lát An Thạnh.
Tôi không mộng mang đến cho người làm nghể nơi này một giấc mơ đẹp thật dài, và xa lăng lắc. Chỉ cần đơn giản: Làm sao để sản phẩm truyền thống có tính ứng dụng cao hơn, và trở thành hàng tiêu dùng thật sự. Người mua bao giờ cũng sẽ rất thực dụng. Sản phẩm trưng bày có thể bán được nhưng số lượng sẽ không nhiều bằng hàng tiêu dùng. Mà người làm nghề ở các làng nghề thì cần bán được nhiều để duy trì cuộc sống và khát khao làm nghề.
Đôi ba lần cũng nghe gốm Bàu Trúc, thổ cẩm Mỹ Nghiệp được mang sang các nước, có cả Nhật Bản đây, để giới thiệu. Cũng có nghệ nhân tham gia biểu diễn. Nhưng câu hỏi lớn là làm sao để sản phẩm ấy bước ra khỏi nơi trình diễn, đính trên các kệ hàng của các siêu thị thì cần phải được trả lời càng nhanh càng tốt.
Chắc hẳn phải thoát ly cái cũ, phải cải tiến, dù chỉ điểm xuyến vài điểm mới để tạo ra lợi thế cho hàng hóa như đã nói ở trên. Điều này đương nhiên là không dễ, vì người làm ra các sản phẩm truyền thống này là người làm nghề theo thói quen, khuôn mẫu truyền lại. Nhưng quả thật sẽ không có sự lựa chọn nào khác nếu không có sự thay đổi và cách tân.
Va vấp và vướng víu trong những ngày đầu sẽ có. Vậy nên rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Và điều quan trọng “cú hích chính sách” này phải đúng và trúng. Đôi ba lần chúng ta có ý định mong muốn biến những nơi này thành những điểm du dịch trình diễn, để thu hút khách thưởng lãm. Cần phải đắn đo lắm với lựa chọn này, vì tiềm lực du lịch ở ta vốn dĩ không đủ mạnh, khách du lịch ở ta vốn dĩ không nhiều, và chi tiêu cho khoản mục “nhìn” và mua hàng trưng bày của khách du lịch ở ta không cao. Người làm nghề liệu có sống được bằng ít ỏi những cơ hội trình diễn! Mà bao người được cái cơ hội ấy!
Du khách thích thú với sản phẩm khăn choàng của làng nghề thổ cẩm Mỹ Nghiệp
Ảnh: Sơn Ngọc
Cũng may, mấy năm nay, làng nghề Bàu Trúc đã được phả vào hơi thở mới khi những người tiên phong làm ra các sản phẩm mới, tiệm cận được với nhu cầu thị trường hiện thời. Và quan trọng hơn là đã tiêu thụ được và sống được. Thổ cẩm Mỹ Nghiệp thì đã thêm hoa văn, sắc màu, làm được cái khăn choàng, cái giỏ, cái ví khá bắt mắt với khách hàng nữ. Dẫu chưa là gì, nhưng khởi đầu như thế cũng đủ có niềm tin!
Nhưng cái tia sáng hình như chưa lóe lên với làng chiếu An Thạnh. Tôi không tin các nghệ nhân của cái làng nghề bao năm này không làm ra được cái miếng lót nồi, cái tấm chùi chân, miếng lót ghế bành,… Người dân miền Tây vốn dĩ không được ai truyền cho cái nghề hay kỹ năng tương tự mà còn mày mò làm ra được các sản phẩm đan lát, đan cót, hay rổ rá làm từ lục bình. Hồ đồ chăng khi mường tượng ra cảnh người làm nghề An Thạnh cũng đan được những sản phẩm như thế.
Thật sự, những sản phẩm như thế không phải chỉ có thị trường trong nước mà người tiêu dùng ở nhiều nước đều cần. Vậy chờ đợi gì, ngoài một cú hích. Tôi muốn nói đến cú hích từ phía chính quyền và cơ quan quản lý kinh tế của địa phương. Hãy cho họ một cơ hội, một dự án và một sự hỗ trợ về vốn.
Khi sang Nhật, tôi chuẩn bị khá nhiều chiếc khăn choàng mua tại làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp để làm quà cho những người mình quen và quý mến. Tôi chuẩn bị món quà này vì đó thật sự là quà quê. Ngoài ra, người Nhật có nhu cầu sử dụng khăn choàng rất cao, kể cả các loại sản phẩm cao cấp nhất.
Lâu lắm cầm lại sản phẩm này, tôi khá bất ngờ trước chất lượng của sợi, và màu sắc, hoa văn của những sản phẩm cầm trên tay. Những người bạn bên Nhật khi nhận được món quà của tôi đều tỏ ra thích thú. Bỏ qua nghi thức xã giao, tôi hiểu được cảm nhận của họ. Đơn giản, chúng ta sẽ nghĩ gì khi một sản phẩm khá chất lượng và giá lại thấp hơn rất nhiều lần sản phẩm cùng loại đang bày bán ngoài siêu thị! Thật sự, điều này từ đó đến giờ luôn cho tôi niềm tin mãnh liệt về sức sống của các sản phẩm Việt, trong đó cả cả các sản phẩm của các làng nghề Ninh Thuận mình.
Trọng Hiểu