Du xuân giàn nho Ba Mọi

Khi nông dân làm du lịch

Mong muốn đưa đặc sản quê hương đến với bạn bè trong và ngoài nước đã đưa đẩy nông dân “rặc” Ba Mọi đến với hoạt động du lịch như một lẽ tất nhiên. Lão nông ngoài 60 ấy đã “nhập vai” hướng dẫn viên xuất sắc đến mức những năm gần đây, giàn nho Ba Mọi luôn là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách khi ghé thăm Ninh Thuận.

Ông Ba Mọi (tức Nguyễn Văn Mọi) có trang trại 1,5 ha nho ở thôn Hiệp Hòa (Phước Thuận – Ninh Phước). Ông là người nông dân đầu tiên trồng nho theo hướng VietGAP và cũng là vị “tiền bối” có công xây dựng thương hiệu nho Ninh Thuận. Năm 2010, vườn nho Ba Mọi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, cũng là thời điểm đánh dấu sự ghé thăm của nhiều du khách gần xa. Từ đây, trang trại nho Ba Mọi trở thành một địa điểm du lịch.

Ông Nguyễn Văn Mọi hướng dẫn sinh viên nghiên cứu về cây nho Ninh Thuận.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày có một đoàn du khách đến tham quan vườn nho. Dù là vài ba bạn trẻ hay các đoàn đi 60, 70 người thì cũng đều được ông tận tình hướng dẫn, giới thiệu đầy đủ về cây nho, sản phẩm nho và đôi khi là về cả những di tích, địa điểm du lịch khác của Ninh Thuận.

Trong số những du khách đến với trang trại nho, ông Ba đặc biệt quan tâm và bỏ nhiều công sức phục vụ các đoàn sinh viên đến từ những trường đại học. Đa số các đoàn này đi tham quan, nghiên cứu các vấn đề thuộc chuyên ngành học, từ nghiệp vụ du lịch sinh thái, đến đặc điểm sinh trưởng cây nho, quy trình sản xuất rượu vang nho, tác động của thời tiết và sâu bệnh lên cây trồng,… Anh Trần Vũ Phương, giảng viên Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Trước khi đưa các đoàn sinh viên ra, chúng tôi liên hệ trước với chú Ba, trình bày mục đích của đợt thực tế cơ sở. Chú Ba sẽ chuẩn bị nội dung thông tin cần thiết để cung cấp cho sinh viên. Mỗi năm, trường Đại học Cần Thơ có trung bình 3-4 đoàn sinh viên thuộc các khoa khác nhau đến tham quan thực tế vườn nho Ba Mọi.”

Tôi làm du lịch là để quảng bá thương hiệu nho, táo Ninh Thuận, quảng bá đặc sản quê hương đến đông đảo mọi người chứ không phải để có lợi nhuận như các doanh nghiệp. Với tôi, quan trọng nhất là phải tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, có như vậy mới khiến họ vì quý mến mảnh đất và con người mà quay lại, hoặc ít nhất cũng giới thiệu với bạn bè, người thân về những gì họ đã trải nghiệm”.

Nhiều người sẽ bất ngờ khi thấy một nông dân thứ thiệt lại có thể sử dụng thành thạo máy chiếu, trình bày lưu loát bản PowerPoint do chính ông soạn thảo. Nụ cười đôn hậu luôn thường trực trên môi, đôi mắt nheo nheo dưới những đốm nắng lọt qua giàn nho, ông chăm chú lắng nghe và trả lời thắc mắc của từng sinh viên.

Để nâng cao chất lượng phục vụ, ông đã lắp đặt kết nối internet WIFI hơn một năm nay. “Các bạn trẻ bây giờ luôn có nhu cầu đưa hình ảnh, thông tin lên mạng điện tử ngay lập tức. Điều này cũng góp phần quảng bá cho thương hiệu của chúng tôi cũng như du lịch tỉnh nhà”- ông Ba chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường mòn nhỏ nối giữa các vườn nho, hai bên rực rỡ những sắc hoa, ông Ba thổ lộ rằng chính ông đã trồng hoa ti gôn, trúc tím và tường vi dọc các con đường này để mỗi ngày ra giàn nho, lòng ông luôn tràn đầy cảm xúc. Sắc hồng ti gôn sẽ gợi ông nhớ về những câu thơ tha thiết của nữ thi sĩ TTKH. Trúc tím khiến ông nghĩ đến “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan. Và hàng tường vi dịu dàng sẽ như ngân lên giai điệu ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn. Cái chất lãng mạn ấy của người nông dân hóa ra lại phù hợp với du lịch, khi mà đông đảo du khách thích thú và thường chụp vài kiểu ảnh bên những hàng hoa mang nhiều thơ và nhạc ấy.

 
Du khách Nga tham quan giàn nho Ba Mọi.
Ảnh: Lương Sơn

Những ấn tượng đẹp

Một trong những điều đặc biệt khi du lịch ở trang trại nho Ba Mọi là du khách không phải trả bất kỳ một khoản phí dịch vụ nào mà ngược lại, còn được chủ nhà chiêu đãi những sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Chính trong lúc ngồi nhâm nhi ly nước ép nho lên men, du khách sẽ được ông Ba giới thiệu về các loại rượu vang nho, quy trình sản xuất cũng như đặc điểm của một số loại rượu vang trên thế giới. Để việc thưởng thức hương vị Ninh Thuận thêm trọn vẹn, các sản phẩm nho tươi, táo tươi cũng được đem ra mời khách. Chính sự gần gũi, chân chất và sự tiếp đón nồng hậu của gia chủ đã tạo cảm giác thoải mái, thích thú riêng cho mỗi người khi đến đây.

Một du khách đã lớn tuổi ở TP.Hồ Chí Minh bộc bạch: “Khi đặt chân vào vườn nho mát rượi, trong lòng tôi chợt dâng lên rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Tôi như thấy mình trở lại một thời thơ bé ngồi chơi đùa dưới gốc cây xoài hay giàn mướp của mẹ vậy. Nhìn những chùm nho, dù vẫn còn non trái, bỗng tôi thấy mình muốn được đưa tay hái một vài quả như thuở bé. Tôi tin rằng, nơi này sẽ còn thu hút nhiều du khách hơn nữa.” Có cô bạn còn cẩn thận cắt lấy một chiếc lá nho, ép trong quyển sổ rồi mang về phố thị, lồng vào một chiếc khung ảnh trang trọng. Hình ảnh ấy nói lên rất nhiều tình cảm mà du khách gần xa dành cho quê hương Ninh Thuận.

Trong tiết xuân ấm áp, nắng vàng lấp lánh phủ lên màu xanh cỏ cây. Cạnh những ruộng lúa đương thì con gái, giàn nho duyên dáng của ông già nặng lòng với đặc sản quê hương như càng thêm xanh, thêm mát, chờ đón bước chân du khách gần xa.