Tôi muốn giới thiệu đôi điều về vùng đất này. Đầm Nại có diện tích tự nhiên 1.200 ha, chứa khoảng 24 triệu mét khối nước. Đầm Nại có 320 loài thủy sản sinh sống, là một trong 12 đầm phá quan trọng của Việt Nam. Đầm Nại mang tính điển hình của đầm phá nhiệt đới khô hạn ven biển giữ vai trò điều hòa ngập lụt, cân bằng nguồn nước ngầm và “lá phổi” làm sạch môi trường sinh thái. Nguồn lợi kinh tế của đầm Nại nuôi sống trên 4.000 nông hộ với khoảng 30.000 dân thuộc các xã Khánh Hải, Tri Hải, Phương Hải, Hộ Hải, Tân Hải thuộc huyện Ninh Hải.
Chụp ảnh ở đầm Nại có 2 hướng: Một là từ thôn Hòn Thiên (Hộ Hải) chụp qua phía bên kia đầm ở các xã Khánh Hải, Tri Hải. Hai là chụp từ Tri Hải ngược về phía Hòn Thiên. Hướng nào cũng đẹp. Cứ từ tờ mờ sáng khi mặt trời chưa ló dạng cho đến khi mặt trời lên cao…, chỉ cần bầu trời không bi mây che khuất thì cái ráng trời màu hồng đã làm cho cánh nhiếp ảnh phải xôn xao và bấm máy khi thấy những chiếc sỏng lướt nhẹ nhàng từ đầm vào bờ. Khung cảnh những ngư dân thu lưới đánh tôm cá và giủ lưới cho sạch với phía sau nền trời đỏ rực tự nó đã làm nên những bức ảnh phong cảnh bình minh trên đầm thật tuyệt. Hoặc là chụp lúc ánh nắng xuôi vàng chéo bao trùm cả Đầm Nại mênh mông khi cầm máy hướng từ Tri Hải… Đã có hàng ngàn bức ảnh của các nhiếp ảnh gia chụp đầm Nại lan tỏa khắp nơi từ trong nước và thế giới. Và nhiều bức ảnh đã thành danh vơi những huy chương danh giá khác nhau.
Riêng tôi, một người xa quê tràn đầy cảm xúc mỗi khi trở lại nơi này. Hồi còn học tiểu học, mỗi lần được ba chở đi Tri Thủy là cả một niềm vui lớn. Lúc đó đầm Nại đối với tôi rất hùng vĩ bởi những rặng núi bao quanh những ngôi chùa, những đoàn thuyền với mây và gió…Núi bao quanh đầm Nại rất đặc biệt, thường gọi là núi Đá Chồng, bởi những hòn nọ chồng lên hòn kia. Có những ngọn hòn lớn lại chồng lên hòn bé….Và cuối cùng tôi đã chụp được một số ảnh về nơi này sau rất nhiều lần trở lại…Tôi chia sẻ cùng bạn đọc qua những trang báo xuân Ninh Thuận- quê nhà!
Hữu Thành