Cô giáo Nguyễn Thị Gái, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ở bậc Mầm non, công tác chăm sóc trẻ luôn được đặt lên hàng đầu. Do vậy, hằng năm nhà trường phối hợp với Trạm Y tế thị trấn khám sức khỏe ban đầu cho trẻ và toàn bộ cán bộ, giáo viên ở trường. Ban giám hiệu thường xuyên giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), tuyên truyền cách phòng, chống các bệnh thường gặp ở trẻ.
Hiệu trưởng nhà trường kiểm tra khâu chế biến thức ăn cho trẻ.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức, hướng dẫn quy định VSATTP đối với bếp ăn; cam kết cung cấp thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo, thực hiện nghiêm túc các quy định chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh. Nhà trường còn xây dựng thực đơn hàng ngày, hàng tuần, theo mùa, đi đôi với việc giáo dục thể chất cho trẻ. Nhờ vậy, chế độ ăn hàng ngày của trẻ cân đối, sức khỏe trẻ đảm bảo hơn. Đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng, nhà trường bố trí cô nuôi và giáo viên quan tâm hơn đến bữa ăn cho các trẻ này, phối hợp với phụ huynh để chăm sóc trẻ tốt hơn.
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, giáo viên hướng dẫn, nhắc nhở trẻ thực hiện các thói quen tốt, như: đánh răng sau khi ăn xong, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Ngoài ra, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường tích cực xây dựng môi trường sư phạm đảm bảo xanh- sạch- đẹp, vệ sinh phòng học, đồ dùng, đồ chơi được cọ rửa thường xuyên giúp trẻ vui chơi tốt hơn.
Tuy nhiên cô giáo Hiệu trưởng nhà trường vẫn băn khoăn: Các dụng cụ, trang thiết bị y tế nhà trường đều có sẵn, tuy nhiên nhân viên y tế học đường vẫn chưa có. Dù có kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong môi trường sư phạm, nhưng các cô giáo còn lúng túng trong lĩnh vực y tế. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cháu, nhà trường mong muốn cấp trên sớm bố trí nhân viên y tế tại trường.
Mỹ Dung