Mục tiêu của việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở trường TH là nhằm để có thêm thời lượng ôn tập, giúp HS nắm vững kiến thức, kỹ năng các môn học, tạo điều kiện cho các em tham gia hoạt động rèn luyện thân thể, vui chơi giải trí tại trường. Đồng chí Nguyễn Văn Nhượng, Trưởng Phòng Giáo dục TH, Sở GD&ĐT cho biết, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các trường TH trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được mục tiêu đề ra, tạo được những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục và giảm tỷ lệ HS lưu ban, bỏ học, đặc biệt ở các trường vùng sâu, vùng xa, nơi có HS dân tộc thiểu số.
Học sinh lớp 2B, Trường TH Tấn Tài 3 học 2 buổi/ngày.
Ở khu vực thành thị, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày còn đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ HS. Tuy phải mất công đưa đón con mỗi ngày 4 lần, nhưng vì đa phần đều là cán bộ, công nhân viên chức, làm việc theo giờ hành chính nên rất yên tâm khi con ở trường cả ngày. Cô giáo Lâm Thị Phú, Hiệu trưởng Trường TH Tấn Tài 3, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm cho biết, phụ huynh tất cả các khối lớp đều kiến nghị nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhưng do thiếu phòng học nên hiện trường chỉ có 13/22 lớp, với 450 học sinh thuộc các khối lớp 1, 2, 3 được học 2 buổi/ngày. Theo quy định, nhà trường tổ chức dạy kiến thức theo chương trình vào buổi học chính khóa, buổi học thứ 2 không dạy thêm kiến thức mới mà chỉ ôn luyện, bồi dưỡng thêm cho HS giỏi, phụ đạo HS yếu, lồng ghép các nội dung giúp các em phát triển năng khiếu: hát, nhạc, mỹ thuật, thể dục...
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn tỉnh ta hiện nay là thiếu phòng học. Mỗi lớp phải đảm bảo có riêng 1 phòng. Để tổ chức được các lớp học 2 buổi/ngày như hiện nay, nhiều trường TH đã phải tận dụng tối đa các phòng học, trong đó có nhiều phòng học cấp 4 đã xuống cấp, không đủ điều kiện về ánh sáng, cửa che chắn gió... Bên cạnh đó, nhiều trường chưa có sân chơi, bãi tập phù hợp, thiếu các phòng học chuyên biệt như phòng giáo dục âm nhạc, phòng dạy ngoại ngữ…
Tỷ lệ giáo viên và các chế độ chính sách liên quan cũng đang là một trở ngại vì hầu hết các trường chưa được bố trí đủ tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp học 2 buổi/ngày. Chế độ chi trả cho giáo viên dạy vượt giờ (vượt buổi) hiện nay vẫn thực hiện theo Quyết định số76/2007/QĐ-UBND, ngày 30-3-2007 của UBND tỉnh: “tối đa không quá 40.000 đồng/buổi hoặc 13.000 đồng/tiết”. Nguồn thu nhập thấp khiến nhiều giáo viên chưa mặn mà, dồn hết tâm huyết cho việc dạy học và các trường cũng gặp khó khăn trong việc phân công giáo viên phụ trách các lớp học 2 buổi/ngày.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhượng cho biết thêm, theo Quy chế công nhận trường TH đạt chuẩn quốc gia: mức độ 1 phải có ít nhất 20% tổng số HS học 2 buổi/ngày, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 phải có ít nhất 50% tổng số HS học 2 buổi/ngày. Thông tư số 36/2009/TT-BGDĐT ngày 4-12-2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định kiểm tra, công nhận phổ cập giáo dục TH và phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi, cũng quy định: Một trong những điều kiện để đơn vị cơ sở được công nhận phổ cập giáo dục TH mức độ 2 là phải có 50% trở lên số HS được học 9-10 buổi/tuần. Vì vậy, ngày 8-10-2012, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4750/KH-UBND, về tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với HS cấp TH giai đoạn 2012-2015. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015, có trên 50% HS TH được học 2 buổi/ngày. Để thực hiện kế hoạch, Sở GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất các trường học theo lộ trình chuyển đổi sang học 2 buổi/ngày; đào tạo giáo viên, tuyển dụng, bố trí đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Bích Thủy