Ban tổ chức cuộc thi “Người thầy trong tôi” đã nhận trên 2.500 bài viết của giáo viên, học sinh trên khắp mọi miền đất nước. Đây là cuộc thi do Báo Ninh Thuận phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức thu hút số người tham gia đông đảo nhất từ trước tới nay. Một số đơn vị tích cực phát động và gửi nhiều tác phẩm tham gia như: Trường THCS Nguyễn Thái Bình (Ninh Hải): 512 bài; Trường PT DTNT Phan Rang: 284 bài; Trường THPT Bác Ái: 203 bài và một số đơn vị có tác phẩm dự thi bình quân từ 20 – 50 bài như: Trường TH Phước Mỹ 1, Trường TH Đạo Long, Trường TH Đô Vinh 3...
Tuy chưa phải là những người cầm bút chuyên nghiệp nhưng với tấm lòng dạt dào yêu thương, văn phong tươi trẻ, các tác giả đã kể những câu chuyện thật cảm động về tình cảm sâu lắng đầy ân nghĩa đối với các thầy cô giáo. Quý thầy cô đã tận tâm dìu dắt, đào tạo bao thế hệ học sinh trưởng thành trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức. Đặc biệt trong cuộc thi này, có nhiều bài viết kể nhiều câu chuyện xúc động về tình cảm của các thầy, cô giáo bám trường bám lớp gieo chữ trên các bản làng vùng cao. Ban Biên tập chọn những bài viết tiêu biểu đăng trên báo in thường kỳ và Báo điện tử Ninh Thuận thu hút hàng chục ngàn lượt bạn đọc trong và ngoài nước đón đọc.
Chúng tôi thực sự xúc động khi đọc bài viết “Người truyền lửa” của tác giả Phan Thị Thanh Thủy, giáo viên Trường TH Đông Hải 1. Tác giả bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến thầy giáo Phan Hồng Hải đã kiên tâm bám trụ gieo chữ cho đàn em nhỏ thân yêu trên bản làng vùng cao Chà Đung thuộc xã Phước Thắng, huyện Bác Ái. Người thầy giáo có biệt danh Hải “Chà Đung” nhớ nằm lòng từng gương mặt học trò, nhớ hoàn cảnh khó khăn của từng em học sinh. Tuy trải qua nhiều trận bị cơn rét rừng hành hạ nhưng khi vừa dứt sốt, thầy lại khăn gói vượt núi lên Chà Đung “gieo chữ”. Tình cảm của thầy Hải đối với học sinh như người cha, người anh dốc lòng dạy chữ cho đàn em thân yêu và “truyền lửa” cho đội ngũ giáo viên trẻ gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Tác giả Nguyễn Lâm Oanh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thái Bình (huyện Ninh Hải) với tác phẩm “Tấm lòng nhân ái của thầy” bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với thầy giáo Lê Lợi. Người thầy giáo dạy toán dưới mái Trường THPT Nguyễn Trãi đã yêu thương dìu dắt định hướng nghề nghiệp cho cậu học trò nhỏ Nguyễn Lâm Oanh. Tiếp bước theo thầy, Nguyễn Lâm Oanh nỗ lực học tập trở thành giáo viên giảng dạy bộ môn Hóa học. Tác giả viết:”Thầy đã đi xa gần hai mười năm nhưng trong tâm hồn tôi vẫn in đậm hình bóng của nhà giáo nhân hậu đã cho tôi điểm tựa, thắp sáng tâm hồn tôi một ước mơ mà giờ đây tôi tiếp bước đi theo con đường chăm lo sự nghiệp trồng người. Tôi tâm nguyện hết lòng yêu thương chăm lo dạy dỗ các em học sinh để đền đáp công ơn mà thầy giáo Lê Lợi đã dành cho tôi gần 30 năm trước”.
Cuộc thi tạo cơ hội cho nhiều thế hệ học sinh, giáo viên bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của mình đối các thế hệ thầy, cô giáo. Từ mái Trường TH Đô Vinh 3, cô giáo Nguyễn Thị Thơm viết bài “Ký ức về một người thầy” thay lời tri ân đối với thầy Phạm Nhàn, nguyên giáo viên Trường Trung học Sư phạm Thuận Hải. Người thầy giáo dạy Mỹ Thuật- Âm nhạc mang cốt cách “nghệ sĩ” luôn nghiêm khắc với giáo sinh trong học tập và rèn luyện kỹ năng sống. Thầy Nhàn là một tấm gương nhà giáo mẫu mực, giàu lòng yêu thương, giúp đỡ những giáo sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thầy Nhàn để lại dấu ấn sâu sắc trong việc rèn luyện khuôn mẫu làm thầy cho nhiều thế hệ giáo sinh. Tác giả Nguyễn Thị Thơm viết:” Đã 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ đến thầy, một người thầy sống hết lòng vì học sinh, bằng kinh nghiệm thực tế của mình đã đào tạo ra lớp lớp các thầy, cô giáo có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, kinh nghiệm giảng dạy tốt; nhờ thế mà lớp chúng tôi sau khi ra trường ai cũng thành công trong giảng dạy. Chỉ một bài viết ngắn ngủi này, không thể kể hết được những gì thầy đã dành cho chúng tôi. Từ sâu thẳm trong trái tim, tôi thầm cảm ơn thầy đã dạy dỗ tôi được như ngày hôm nay”.
Nguyễn Võ Anh Thư, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tham gia cuộc thi với tác phẩm “Người cho tôi niềm tin” bày tỏ lòng biết ơn cô giáo Võ Thị Thu Hà, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Lê Hồng Phong. Từ học sinh học kém môn Văn được cô Hà phát hiện năng lực cảm thụ văn học tinh tế và dìu dắt em trở thành học sinh chuyên Văn: “Tôi đăng ký vào lớp chuyên Văn trước sự bất ngờ của gia đình, bạn bè và… cả chính nghi hoặc của bạn thân. Riêng chỉ có cô, cô là người vẫn mỉm cười khích lệ tôi với niềm tin mãnh liệt nhất. Bởi, chính cô đã phát hiện ra năng lực cảm nhận văn chương của tôi, từng bước, từng bước… khơi gợi trong tôi niềm yêu thích nghệ thuật. Để rồi, cũng chẳng hay từ bao giờ, tôi yêu Văn”.
Cuộc thi “Người thầy trong tôi” còn rất nhiều bài viết phản ánh khá sinh động về tấm gương thầy, cô giáo hết lòng yêu thương, tận tâm chăm lo cho học sinh đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với đông đảo bạn đọc. Nhiều tác giả “nhí” là các em học sinh của Trường TH Phước Mỹ, Đạo Long, Đô Vinh 3… tuy hình thức thể hiện còn hạn chế nhưng đa phần các em đều nêu lên được sự biết ơn vâng lời thầy cô giáo, cố gắng học tập giỏi để không phụ lòng thầy, cô giáo đã dạy dỗ các em nên người…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, giải báo chí năm nay còn một số mặt hạn chế như: Tuy số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhưng chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng tiêu chí của thể lệ như về hình thức thể hiện, bố cục, cấu trúc của tác phẩm báo chí; đa phần tác phẩm dự thi chỉ là bài văn miêu tả…Nhiều em dựa vào những đề văn mẫu vì phần mở đề tất cả đều giống nhau. Nội dung các tác phẩm chưa thật phong phú, chưa chọn được các nhân vật trong tác phẩm là những thầy cô giáo có đóng góp nhiều cho sự nghiệp trồng người ở địa phương...
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khách quan, vô tư và công bằng, tuy chất lượng các tác phẩm vào chung khảo chưa thật nổi bật, sức lan toả về nội dung tác phẩm và nhân vật trong bài viết còn hạn hẹp, nhưng để khuyến khích và động viên phong trào, Ban giám khảo đã chấm giải và đề nghị Ban tổ chức quyết định tặng thưởng: 1 giải nhì; 2 giải Ba; 3 giải Khuyến khích và 3 giải tập thể dành cho đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi.
Khép lại Giải báo chí Báo Ninh Thuận năm 2013, Nhà giáo Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng cuộc thi có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Cuộc thi đã tạo động lực tinh thần động viên các thầy cô giáo thi đua dạy tốt, học sinh thi đua học tốt góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Sơn Ngọc