Chú trọng phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo

(NTO) Sau đợt giám sát của Đoàn công tác Văn phòng Quốc gia IFAD (quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp) giữa tháng 10-2013, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đã đẩy nhanh việc triển khai Hợp phần 2 (phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo). Hợp phần 2 có tổng cộng 53 hoạt động chính, trong đó có 46 hoạt động đã thực hiện bao gồm: 30 hoạt động của các đơn vị thực thi cấp tỉnh, 16 hoạt động của Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) các huyện.

Theo báo cáo của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, trong hoạt động của các đơn vị thực thi cấp tỉnh, tùy theo đặc điểm của từng ngành, đoàn thể, có các hoạt động khác nhau. Đơn cử Hội Phụ nữ tỉnh đã và đang triển khai 4 hoạt động chủ yếu tập trung ở tiểu hợp phần “Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính nông thôn”, bước đầu đã thành lập được 32 nhóm Tiết kiệm tín dụng tại 27 xã, 143 thôn vùng dự án. Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện 2 hoạt động “Xây dựng nông dân nồng cốt” và “Triển khai các mô hình cây, con phù hợp với người nghèo vùng dự án”; theo đó đã hỗ trợ 15 con bò cái, 81 con heo đen, 35 con cừu, 35 con dê cho các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng dự án thuộc huyện Ninh Hải, Thuận Bắc.

Các hộ nghèo ở huyện Ninh Hải được hỗ trợ bò để chăn nuôi.

Chi cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện 4 hoạt động hỗ trợ chi phí đầu vào cho 19 hộ nghèo và cận nghèo thuộc nhóm cùng sở thích trồng táo ở 3 xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), An Hải và Phước Vinh (Ninh Phước), với diện tích 2,7 ha, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất táo an toàn có gắn kết thị trường. Chi cục Nuôi trồng thủy sản thực hiện hoạt động “Mô hình nuôi cá nước ngọt khép kín” tại 2 xã Lương Sơn (Ninh Sơn), Bắc Sơn (Thuận Bắc). Ngoài ra còn có 10 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chế biến, bảo quản thức ăn gia súc và kỹ thuật chăn nuôi bò, heo đen của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư, 2 hoạt động về kết nối thị trường cho 2 chuỗi giá trị bò và táo của Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, 5 hoạt động tổ chức các lớp tập huấn về phòng, trị bệnh cho gia súc và vệ sinh an toàn thực phẩm của Chi cục Thú y.

Các DASU huyện cũng tiến hành triển khai các hoạt động khác nhau. DASU Bác Ái đã triển khai 5 hoạt động gồm hỗ trợ 120 con heo đen cho 30 thành viên nhóm nuôi heo, hỗ trợ 50% chi phí xây chuồng trại, 40% chi phí mua thức ăn, hỗ trợ cỏ giống cho 130 hộ thuộc các tổ nhóm nuôi bò. DASU Ninh Sơn triển khai 2 hoạt động hỗ trợ 46 con giống heo đen cho 15 hộ và hỗ trợ 50% chi phí xây dựng chuồng trại cho 19 hộ. DASU Ninh Hải đã thực hiện 2 hoạt động hỗ trợ 12 con bò giống và hỗ trợ cỏ giống cho thành viên tổ nhóm nuôi bò. DASU Ninh Phước và DASU Thuận Bắc đều thực hiện mỗi huyện 2 hoạt động hỗ trợ 20 con bò cái theo mô hình Heifer cho 10 hộ dân. DASU Thuận Nam thực hiện 2 hoạt động hỗ trợ bò đực giống và hỗ trợ, hướng dẫn trồng cỏ giống trong vùng dự án.

Nhìn chung các đơn vị thực hiện Hợp phần 2 đã triển khai tốt các hoạt động theo kế hoạch, thể hiện qua phát triển các chuỗi giá trị vì người nghèo trên địa bàn 27 xã; tập huấn nâng cao năng lực cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt đối với 8 chuỗi giá trị (dê, bò, cừu, heo đen, táo, nho, tỏi, chuối); hỗ trợ nguồn lực từ dự án để phát triển các chuỗi bò, táo, heo đen. Theo đó đã hỗ trợ con giống, thiết bị vật tư nông nghiệp cho các nhóm chung lợi ích. Tuy nhiên do một số hoạt động về tài chính vi mô nhằm phát triển kinh tế phụ nữ, tổ nhóm và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được thực hiện, dẫn đến người dân chưa tiếp cận được nguồn vốn của dự án. Ngoài ra, các hoạt động ở Hợp phần 2 của các DASU triển khai chậm so với kế hoạch.

Để khắc phục hạn chế trên, theo anh Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc Ban Điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh, DASU các huyện đang thực hiện phân tích chuỗi giá trị cấp huyện và dưới huyện, xây dựng kế hoạch hành động đối với các chuỗi giá trị tiềm năng ngoài 8 chuỗi đã được lựa chọn, để tăng cơ hội cho hộ gia đình nghèo. Riêng Ban Điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh sẽ phối hợp các DASU huyện áp dụng phương thức hợp đồng theo kết quả, cho phép người hưởng lợi được tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ và giám sát hiệu quả chất lượng dịch vụ chuỗi giá trị. Đặc biệt tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn của dự án.