DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Tác động từ Quỹ phát triển kinh tế phụ nữ

(NTO) Quỹ Phát triển kinh tế Phụ nữ (PN) thuộc Hợp phần 2 (Tiểu hợp phần: Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính nông thôn) của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh.

Theo kế hoạch năm nay, với số vốn ban đầu là 3 tỷ đồng, Quỹ Phát triển kinh tế PN sẽ phân bổ các khoản vay cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình các dân tộc thiểu số và hộ gia đình có nhu cầu trên địa bàn dự án, giúp các hộ phát triển kinh tế, có điều kiện thoát nghèo bền vững, tạo thêm cơ hội cho các hộ vươn lên khá giả.

Ban điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh tổ chức
hội thảo thủ tục giải ngân cho các nhóm tín dụng-tiết kiệm phụ nữ.

Là một trong những đối tác chuyên môn thực thi Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, Hội LHPN tỉnh được phân công thực hiện Quỹ Phát triển kinh tế PN. Để vận hành Quỹ, việc thành lập các nhóm tín dụng-tiết kiệm tại 27 xã, 143 thôn vùng dự án được Hội LHPN tỉnh xem là phương thức hiệu quả trong quay vòng vốn.

Chị Huỳnh Thị Phượng, Trưởng Ban Hỗ trợ phát triển kinh tế thuộc Hội LHPN tỉnh cho biết: Đến nay Hội đã thành lập được 32 nhóm tín dụng-tiết kiệm, với tổng số 581 thành viên nằm trong 175 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có 207 thành viên là PN dân tộc thiểu số (Chăm, Raglai). Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi xã thành lập 2 nhóm, nếu tính theo địa bàn huyện, cụ thể Thuận Nam có 2 nhóm, Thuận Bắc có 8 nhóm, Ninh Sơn có 4 nhóm và Ninh Phước, Ninh Hải, Bác Ái đều có 6 nhóm. Từ nay đến hết năm 2014, qua các nhóm tín dụng-tiết kiệm được thành lập, Quỹ Phát triển kinh tế PN sẽ hoạt động theo mô hình là 1 quỹ xã hội thực hiện các mục tiêu của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh. Điểm đặc biệt là ngoài nguồn vốn dự án, các nhóm tín dụng tiết kiệm còn kết hợp khoản vay phụ của Quỹ để quay vòng từ nguồn tiền tiết kiệm của các thành viên trên địa bàn dự án.

Theo khảo sát của Hội LHPN tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 8.000 hộ do PN làm chủ hộ thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy việc thiết lập một thể chế tài chính vi mô lâu dài, đóng góp hiệu quả vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đặc biệt là đối tượng PN nghèo, PN dân tộc thiểu số có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực ra từ lâu công tác vận động hỗ trợ PN phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững luôn được Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo. Xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã khai thác và tín chấp cho hội viên, PN vay để đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ… nâng tổng số dư nợ lên gần 637 tỷ đồng, với trên 41.500 thành viên vay vốn. Hiện nay bằng nhiều hình thức tiết kiệm như tiết kiệm tại Chi hội PN, tổ PN tiết kiệm, tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, các chương trình, dự án của Hội, tiết kiệm trong các tổ góp vốn xoay vòng…các cấp Hội PN đã tiết kiệm được số tiền 3,412 tỷ đồng với 11.780 hội viên tham gia. Riêng các nhóm tín dụng-tiết kiệm thành lập theo Quỹ Phát triển kinh tế PN cũng đang xúc tiến góp vốn tiết kiệm. Tuy việc giải ngân nguồn vốn Quỹ Phát triển kinh tế PN thuộc Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh chưa triển khai kịp thời như dự kiến, nhưng từ kinh nghiệm và kết quả đạt được đã nêu trên, có cơ sở để tin rằng Hội LHPN tỉnh sẽ quản lý và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả qua việc gia tăng số lượng và khả năng sẵn có của các khoản tín dụng cho các nhóm đối tượng hưởng lợi của Dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Quỹ Phát triển kinh tế PN, từ yêu cầu của IFAD (Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp), Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh và Hội LHPN tỉnh đang tiến hành chỉnh sửa lại một số nội dung về điều kiện vay vốn của Sổ tay hướng dẫn vận hành Quỹ Phát triển kinh tế PN tỉnh. Theo chị Huỳnh Thị Phượng, sau khi hoàn chỉnh, trong giai đoạn sắp đến Quỹ Phát triển kinh tế PN tỉnh sẽ vận hành phù hợp với mục tiêu của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh là tạo việc làm, tăng thu nhập cho PN nghèo và cận nghèo. Qua đó hình thành thói quen và ý thức thực hành tiết kiệm, người dân sẽ biết sử dụng đồng vốn đúng mục đích và luôn tương trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế và bình đẳng giới.