Báo cáo nghiên cứu về triển vọng thị trường Việt Nam do Ngân hàng HSBC vừa công bố cho biết: Môi trường vĩ mô của Việt Nam đang chuyển biến tốt hơn. Mặc dù lạm phát trong tháng 9 đã tăng hơn 1% so với tháng trước nhưng dường như vẫn không phải là vấn đề chính yếu khi Chính phủ đang rất thận trọng trong việc kiềm chế áp lực lạm phát.
Dịch vụ và sản xuất đang tăng trưởng
HSBC cho biết, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 9 đã tăng đạt mức 51,5 điểm nhờ vào nhu cầu nước ngoài dành cho hàng hoá Việt Nam tăng mạnh cũng như sự đột phá của chỉ số việc làm. Chỉ số GDP trong quý III/2013 đã cho thấy khối dịch vụ và sản xuất đang tăng trưởng.
Nhiều chỉ số cho thấy một tín hiệu tích cực cho quá trình
phát triển kinh tế của Việt Nam (Ảnh: TBKD)
“Trong khi chỉ số tăng trưởng từ đầu năm đến nay vẫn còn ở mức 5,1% - dưới mức khuynh hướng, nhưng điều này vẫn được xem là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh quá trình cắt giảm nợ đang diễn ra và giá cả hàng hoá toàn cầu thấp dẫn đến xuất khẩu sản phẩm thô của Việt Nam đi xuống”- HSBC đánh giá.
Cùng với đó, lĩnh vực sản xuất đang hồi phục mạnh mẽ với quý III/2013 tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 6,2%. Điều này có được nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn FDI tăng 52,2% đạt 9,3 tỷ USD nhờ vào nguồn nhân công rẻ của Việt Nam cũng như nhu cầu trong nước đang bắt đầu phát triển.
Điều này là một tín hiệu tích cực cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang lại các công việc có năng suất lao động cao hơn nhằm tận dụng nguồn lực lao động tay nghề thấp của Việt Nam cũng như cân bằng hoạt động đầu tư trong nước còn yếu kém. Dòng vốn FDI cũng được đánh giá đầy hứa hẹn cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam khi dòng vốn này giảm bớt những áp lực lên Việt Nam từ những biến động đang diễn ra trên thị trường toàn cầu.
Các chỉ số cho thấy, môi trường vĩ mô của Việt Nam đang chuyển biến tốt hơn. Mặc dù lạm phát trong tháng 9 đã tăng hơn 1% so với tháng trước nhưng dường như vẫn không phải là vấn đề chính yếu khi Chính phủ đang rất thận trọng trong việc kiềm chế áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, HSBC khuyến cáo: “Chính phủ cần thực hiện những chính sách cải cách để cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh vốn đang thấp hơn các nước láng giềng. Hiện Chính phủ đang rất cởi mở để thúc đẩy một nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn. Những hiệp định thương mại nội vùng và xuyên Thái Bình Dương đang trong quá trình ký kết. Nếu Chính phủ kiên định thực hiện những cải cách đối với đầu tư công, Việt Nam sẽ có sự thay đổi kinh tế nhanh trong một vài năm tới”.
Bức tranh vĩ mô ổn định hơn
Nhu cầu nước ngoài dành cho các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam sẽ tăng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Trong khi đó, các điều kiện trong nước đang ổn định, tăng trưởng tín dụng cũng đang tăng nhẹ so với thời kỳ trì trệ trong nửa đầu năm 2013. Đồng thời, thời kỳ lạm phát tăng đột biến cũng đã trôi qua giúp người tiêu dùng và các nhà sản xuất thoát khỏi thời kỳ khó khăn.
Hiện tại, với áp lực lạm phát vẫn còn cao và những dấu hiệu chưa chắc chắn về tương lai nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đâu đó, “chúng tôi hy vọng khối công và tư nhân sẽ tiếp tục thận trọng trong chi tiêu”.
Trong khi vẫn còn nằm dưới ngưỡng khuynh hướng, nền kinh tế đang dần phát triển tốt hơn trong nửa cuối năm 2013 khi những khó khăn trên toàn cầu đang dần lùi xa. Các hoạt động kinh tế trong quý III/2013 đã tăng trưởng đạt mức 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng vượt mức 5% trong quý II/2013 nhờ vào tăng trưởng mạnh ở khối sản xuất và dịch vụ.
HSBC đánh giá: Việt Nam dường như đang hồi phục một cách chậm rãi. Bức tranh vĩ mô ổn định hơn. Dòng vốn FDI đang đổ vào mạnh, tăng hơn 50% so với đầu năm. Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư lâu dài, đặt biệt là từ các nhà đầu tư Đông Á. Samsung, LG Electronics và Foxcom là một vài trong số những nhà sản xuất điện tử quan trọng đang xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Các hiệp định thương mại nội vùng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) đang trong quá trình thực hiện – cả hai sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam. Chính phủ hiện nay cần phải cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và cơ sở hạ tầng – hai mắt xích yếu nhất trong việc thu hút đầu tư và tiềm năng tăng trưởng của quốc gia./.
Nguồn VOV online