Giải pháp tăng trưởng GDP 3 tháng cuối năm

Tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tăng năng lực xuất nhập khẩu và kiểm soát thị trường. Theo Bộ Công Thương, để góp phần vào tăng trưởng GDP của cả nước, từ nay đến cuối năm 2013, toàn ngành Công Thương phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2013 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo đó, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Bên cạnh đó, khối sản xuất công nghiệp sẽ theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành, phối hợp tốt với các Hiệp hội trong việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiếp tục theo dõi thường xuyên mức tăng tồn kho hàng nội địa, triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Từ nay đến cuối năm, ngành công nghiệp cần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình cơ khí trọng điểm, các dự án đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nguồn hàng hoá phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.

Đối với linh vực xuất nhập khẩu, hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 ước đạt khoảng 131 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2012; Kim ngạch nhập khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 131,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2012; Nhập siêu cả năm 2013 khoảng 500 triệu USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 0,38%.

Theo đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các FTA đã ký kết để gia tăng xuất khẩu, tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống đồng thời quan tâm phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh.

Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu, làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường. Theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện xuất khẩu và dự báo khả năng xuất khẩu vào các thị trường.

Thị trường trong nước, hướng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2012. Đảm bảo giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống.

Triển khai các chương trình bình ổn thị trường, giá cả một cách có hiệu quả; hoàn thiện hệ thống phân phối trên thị trường, tổ chức tốt việc gắn kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp nhằm giảm thiểu chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm, góp phần ổn định giá cả hàng hoá.

Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo. Tăng cường tuyên truyền và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Công tác kiểm tra giám sát về chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc hàng hoá, chống hàng giả, hàng kém chất lượng cần được tăng cường, tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam tiêu thụ trên thị trường nội địa, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, ổn định thị trường xã hội.

Nguồn vov.vn