Ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, cùng với việc tăng cường công tác quản lý, ngành đã chủ động nắm bắt, thu thập thông tin về tình hình hoạt động các doanh nghiệp (DN); đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Văn Miên
Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại thông qua việc khảo sát thị trường ngoài tỉnh, giúp cho DN tìm kiếm thị trường mới, giới thiệu quảng bá các sản phẩm đến các đối tác trong và ngoài nước. Với sự đồng hành tháo gỡ khó khăn của tỉnh và phát huy tinh thần nội lực của các DN nên kết quả hoạt động sản xuất của ngành Công nghiệp toàn tỉnh từ đầu năm đến nay tăng 2,86%; trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 5,12%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện tăng 3,66%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,31%. Vượt lên khó khăn chung của nền kinh tế, một số DN trong tỉnh đã chủ động về nguồn nguyên liệu, duy trì ổn định thị trường tiêu thụ và bước đầu phát huy công suất sau đầu tư nên hoạt động sản xuất duy trì ổn định và tăng so cùng kỳ.Cụ thể như: thủy sản chế biến (tôm đông lạnh) ước đạt 1.755 tấn, tăng 26%; đường RS đạt 11.323 tấn, tăng 2,3%; sản phẩm may mặc ước đạt 1,2 triệu sản phẩm, tăng hơn 10%; đá xây dựng ước đạt 663.162 m3, tăng 39,16%; muối chế biến trên 59.000 tấn, tăng 47,64%. Đặc biệt với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong quá trình triển khai nhiều dự án đầu tư mới đã được hoàn thành như: Nhà máy bia Sài Gòn-Ninh Thuận, Nhà máy Bao bì Tân Định, các nhà máy sản xuất gạch không nung, gạch tuy-nen và gạch bê-tông màu, gạch Terrazzo, Nhà máy chế biến muối .... Nhiều sản phẩm mới được sản xuất lưu thông trên thị trường tạo năng lực phát triển mới cho ngành công nghiệp như: Bia đóng lon ước đạt 5,5 triệu lít, khăn bông các loại tăng hơn 79%; gạch không nung ước đạt trên 286.000 viên.
Về kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng ước đạt 42,45 triệu USD, đạt 61% kế hoạch, tăng 1,24% so cùng kỳ. Mặt hàng tôm đông lạnh, vượt lên đứng đầu các mặt hàng xuất khẩu, với doanh số ước đạt 12,8 triệu USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ; tiếp đó là sản phẩm từ gỗ và hàng dệt (khăn bông) với kim ngạch gần 200.000 USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ; trong đó, kinh tế tư nhân đạt trên 3.300 tỷ đồng, tăng 15,63%; kinh tế cá thể đạt trên 4.328 tỷ đồng, tăng 18,05%; kinh tế nhà nước đạt gần 351 tỷ đồng, tăng 9,58% và kinh tế tập thể đạt 36,5 tỷ đồng, tăng 29,36% so cùng kỳ. Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các DN hưởng ứng tích cực. Thông qua chương trình bình ổn giá, tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt về các vùng nông thôn, miền núi từng bước giúp người dân quen dần với tiêu dùng hàng Việt và kích thích tiêu dùng trong dân cư.
Người tiêu dùng mua sắm tại Trung tâm Điện máy - Điện gia dụng Hoàng Duy Dương. Ảnh: Văn Miên
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, trong 9 tháng qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các v DN ngành công nghiệp. Có đến 10/19 chỉ tiêu của ngành Công Thương đạt kế hoạch thấp, hầu hết lại rơi vào các sản phẩm chủ lực như: nhân hạt điều, sắn lát, xi măng, gạch nung, thuốc lá điếu, muối. Nguyên nhân là do gặp khó khăn về vốn, thị trường thụ thu hẹp, giá sản phẩm giảm; nguồn nguyên liệu thiếu hụt không đáp ứng yêu cầu công suất nhà máy; nhiều sản phẩm chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại. Ngoài ra một số sản phẩm do ảnh hưởng về thời tiết và quy định về ghi nhãn hàng hóa nên hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm so cùng kỳ. Các nhóm sản phẩm mới do đang trong thời gian tìm kiếm thị trường nên chưa đạt công suất theo thiết kế.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hoan, hiện nay, tình hình kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều trở ngại, vì vậy ngành Công thương tiếp tục đồng hành cùng các DN vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ cả năm. Ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ cho DN thông qua việc kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn về các thủ tục hành chính, đất đai và giải phóng mặt bằng để các dự án đầu tư sớm hoàn thành đưa vào hoạt động và các dự án mới khởi động. Từ nay đến cuối năm, nhiều dự án được hoàn thành đưa đi vào hoạt động như: Nhà máy thủy điện hạ Sông Pha 1, Dệt may Quảng Phú, Nhà máy chế biến tôm (cơ sở 2) của Công ty TNHH Thông Thuận... đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng thêm giá trị mới cho ngành Công nghiệp.
Cùng với đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ thị trường. Tiếp tục thực hiện đề án khuyến công như: Hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất cho DN; phối hợp với các DN đào tạo nghề cho 250 lao động nông thôn biết nghề để đáp ứng nhu cầu cho ngành may mặc. Phối hợp tổ chức Hội chợ Công nghiệp và Thương mại miền Trung-Tây Nguyên tại tỉnh ta, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; tiếp tục hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất-kinh doanh tham gia các hội chợ ngoài tỉnh. Đồng thời phối hợp Cục Công nghiệp địa phương, Vụ thị trường Tây Nam Á và Châu Phi tổ chức các hội thảo nhằm thông tin kết nối thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện giải quyết tiêu thụ sản phẩm cho các DN. Tiếp tục tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các chương trình khuyến mãi nhằm tăng sức mua trong dân cư để tiêu thụ hàng hóa cho DN. Triển khai các giải pháp bình ổn thị trường giá cả các mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Với các giải pháp trên, ngành Công Thương phấn đấu trong năm nay tăng trưởng ngành công nghiệp đạt trên 10%, ngành thương mại –dịch vụ 18-19%.
Đặng Hữu