Thanh tra, kiểm tra, giải pháp hữu hiệu tăng thu ngân sách

(NTO) Tại Hội nghị chuyên đề công tác Thanh tra, kiểm tra (TT-KT) và quản lý nợ thuế vừa được ngành thuế tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng: “Bên cạnh những doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, thì một bộ phận DN vẫn lợi dụng nhiều kẽ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi gian lận trốn thuế. Những hành vi này cần phải xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật, tạo sự công bằng trong kinh doanh cho người nộp thuế”.

Nhiều cách trốn, lách thuế

Từ đầu năm đến nay, ngành Thuế đã tiến hành 14 cuộc thanh tra, truy thu và xử lý phạt số tiền 2.472 triệu đồng. Tiến hành kiểm tra tại trụ sở 126 DN (đạt 62,37% so với kế hoạch Tổng Cục thuế giao), truy thu và phạt 4.192 triệu đồng, số kiểm tra làm giảm lỗ thu nhập chịu thuế TNDN 16.471 triệu đồng, giảm số thuế GTGT khấu trừ 502 triệu đồng. Qua TT-KT đã phát hiện nhiều cách thức trốn, lách thuế của DN bằng cách lợi dụng sơ hở của pháp luật và khó khăn trong kiểm soát, xác minh của cơ quan chức năng. Điển hình như tại Chi cục Thuế Ninh Sơn, qua TT-KT 9 DN thì cả 9 DN đều vi phạm dưới các hình thức như: bán hàng không xuất hoá đơn; lập hoá đơn và kê khai doanh thu thấp hơn thực tế; hành vi kê khai chứng từ mua vào không đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT… Hay tại Chi cục Thuế Ninh Hải, qua TT-KT 11 DN thì có 10 DN (91%) sai phạm về thuế. Các hình thức trốn thuế, lách thuế như lập bảng kê nhằm hợp thức hoá hàng mua, chi phí mua hàng cho kỳ sản xuất đội lên cao nhưng doanh thu bán ra thấp; DN không thực hiện kiểm kê hàng hoá, vật tư định kỳ, do đó không xác định được số lượng và giá trị nguyên vật liệu, sản phẩm, vật tư hàng hoá tồn kho thực tế so với sổ sách kế toán, phát sinh ở các DN thương mại…

 
Cán bộ Chi cục Thuế Phan Rang - Tháp Chàm hướng dẫn lập thủ tục kê khai thuế. Ảnh: Văn Miên

Qua những số liệu dẫn chứng trên, có thể nhận thấy các DN lách thuế, trốn thuế, gian lận về thuế… dưới các hình thức như: Không xuất hóa đơn và kê khai không đầy đủ doanh thu phát sinh theo quy định. Một số cơ sở kinh doanh thương mại thực hiện mua, bán thẳng không nhập kho hoặc không qua cửa hàng, qua đó cũng không xuất hóa đơn và ghi vào sổ kế toán. Hạch toán giảm trừ doanh thu thông qua các hình thức giảm giá, chiết khấu bán hàng không đúng thực tế kinh doanh. Lợi dụng quy định lập bảng kê mua hàng để nâng khống chi phí như: nâng số lượng và giá mua; lập khống tên và địa chỉ người bán; lập bảng kê để hợp thức hóa hàng mua của tư thương (không phải là người trực tiếp sản xuất bán ra); Không thực hiện kiểm kê hàng hóa, vật tư định kỳ, do đó không xác định được số lượng và giá trị nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa tồn kho thực tế so với sổ sách kế toán… gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác định thực trạng kinh doanh, xác định giá vốn hàng bán; hạch toán các khoản chi mang tính chất tiền lương không có quy định trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động; làm khống hợp đồng lao động hoặc chi khống tiền lương, tiền công (cao hơn so với thực tế chi trả) để tăng chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế; lập khống các khoản tiền vay ngoài để giảm lãi.

Đẩy mạnh công tác TT-KT

Đồng chí Vũ Đình Trọng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Đi đôi với các biện pháp thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; ngành Thuế đã tăng cường công tác TT-KT và xác định đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm chống thất thu thuế hiện nay. Với những giải pháp đồng bộ trong công tác TT-KT, ngành đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; nâng cao tính tuân thủ, tự giác trong việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế. Từ nay đến cuối năm, ngành Thuế sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường hơn nữa công tác TT-KT thuế trong các tháng cuối năm nhằm chống thất thu Ngân sách, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật thuế”.

Theo đó, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, ngành Thuế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng phân tích, đánh giá rủi ro về kê khai thuế để xác định đúng đối tượng TT-KT. Phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để TT-KT, giám sát các DN tỉnh ngoài có hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn để hướng dẫn, kê khai nộp thuế. Rà roát, thống kê đưa hộ kinh doanh vào quản lý thuế; khảo sát doanh thu để xác định mức thuế khoán sát thực tế, tạo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Chỉ đạo các phòng chức năng, các chi cục tập trung TT-KT tại trụ sở người nộp thuế; TT-KT đối với các DN có doanh thu lớn, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có biến động lớn về giá cả, DN tiếp tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư, DN được hưởng ưu đãi về thuế, DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, các DN hoạt động liên kết có dấu hiệu chuyển giá... Phấn đấu đảm bảo ít nhất 80% DN được TT-KT là các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Trường hợp kết quả TT-KT có dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển cho cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xử lý... cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, công tác tin học hóa phục vụ quản lý thuế... công tác TT-KT thuế nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả về quản lý trong lĩnh vực thuế, góp phần chống thất thu thuế, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, tạo sự bình đẳng, an tâm cho người nộp thuế.