Vui đón Ka tê:
Về thôn Bỉnh Nghĩa (Palay Pành Rida, tiếng Chăm) vào những ngày cuối tháng chín năm nay, chúng tôi cảm nhận sự phát triển mới trong đời sống cư dân địa phương. Đồng lúa vụ mùa đang thì con gái mơn mởn lên xanh quanh làng. Những người phụ nữ Chăm vừa chăm sóc lúa vừa luyện tập văn nghệ và làm bánh mứt chuẩn bị vui đón lễ hội Ka tê 2013. Thanh niên tập trung về sân vận động nỗ lực thi đấu bóng chuyền, đóng đá tạo không khí náo nức, vui tươi trong mùa lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.
Thanh niên Bỉnh Nghĩa thi đấu bóng chuyền mừng đón Ka tê 2013.
Anh Thành Văn Phong 40 tuổi “vác tù và” làng Bỉnh Nghĩa phấn khởi nói:" Năm nay, bà con chuẩn bị đón Ka tê sung túc lắm. Cây lúa vụ hè thu trúng mùa được giá, nông dân rủng rỉnh có thu nhập lo cho em bước vào năm học mới và đón lễ hội truyền thống của dân tộc. Từ ngày 1 đến ngày 3-10, làng Bỉnh Nghĩa diễn các hoạt động: Chung kết giải bóng đá, bóng chuyền thanh niên; thi gói bánh tét, lăn đèn sáp, têm trầu; biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ hội Ka tê 2013".
Nông thôn đổi mới:
Trao đổi với trưởng thôn Thành Văn Phong, chúng tôi được biết Bỉnh Nghĩa hiện có 600 hộ với 3.479 nhân khẩu. Đời sống cư dân địa phương dựa vào thu nhập trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng. Nông dân canh tác 181 ha ruộng ba vụ lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh và 126 ha bảo đảm hai vụ lúa được tưới từ hệ thống thủy lợi Sông Trâu. Từ khi khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới tạo động lực đưa đời sống, sản xuất của đồng bào Chăm Bỉnh Nghĩa ngày càng phát triển. Chỉ tính riêng cây lúa vụ hè thu vừa qua được cán bộ khuyến nông về làng hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo mô hình “1 phải, 5 giảm” giúp nông dân đạt năng suất bình quân trên 7 tấn/ha, tăng 1,5 tấn so với vụ hè thu năm trước. Với gia bán lúa khô tại sân 5.400 đồng/kg, nông dân có lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. Nông dân chăn nuôi bò được Dự án Tam nông hỗ trợ máy cắt cỏ, vật tư thực hiện điểm mô hình ủ thức ăn nâng cao chất lượng đàn gia súc.
Đường giao thông Bỉnh Nghĩa được bê tông xi măng khang trang.
Dự án Tam nông hỗ trợ vật tư giúp nông dân Bỉnh Nghĩa thi công kiên cố kênh mương. .
Hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư nâng cao toàn diện đời sống người dân địa phương. Tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, Dự án Tam nông hỗ trợ vật tư giúp nhân dân thi công hoàn thành 450 mét đường bê tông nâng đường làng được “xi măng hóa” lên 3.000 mét bảo đảm giao thông nội thôn khang trang. Trưởng thôn Bỉnh Nghĩa đưa chúng tôi ra cánh đồng tục danh Ruộng Chùa “tận mục sở thị” Ban điều phối Dự án Tam nông tỉnh hỗ trợ vật tư trị giá 380 triệu đồng giúp nông dân thi công kiên cố tuyến kênh cấp 2 dài 180 mét, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng mười bảo đảm tưới cho 16 ha ruộng lúa. Sắp đến, dự án Tam nông tiếp tục hỗ trợ kinh phí nâng cấp cầu Tân Khẩn dài 7 mét, rộng 12 mét bảo đảm hai làn xe máy cày đi lại vận chuyển nông sản.
Bộ mặt nông thôn mới ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa ngày càng khởi sắc thu hút nông dân gắn bó vươn lên làm giàu từ tiềm năng đất đai và khai thác lợi thế kinh tế địa phương. Các nông hộ Thành Lênh, Sầm Thị Biểu, Lượng Thị Nụ… nêu gương sáng phong trào thi đua sản xuất giỏi, làm giàu trên đồng đất Bỉnh Nghĩa.
Làng Chăm ơn Bác:
Về Bỉnh Nghĩa, chúng tôi may mắn được gặp hai vị “tiên chỉ” làng là ông Đạo Duy Cần và Lượng Thanh Nghệ. Đây là hai nhà giáo đầu tiên có công “gieo chữ” ở làng Bỉnh Nghĩa từ nửa thế kỷ trước. Các thầy tốt nghiệp sơ cấp sư phạm về làng mở trường dạy chữ cho con em địa phương. Trường làng chỉ dạy chữ đến hết lớp 3, học sinh muốn học lên lớp 4, lớp 5 phải qua Dư Khánh trọ học. Cả làng chỉ có vài người học tới bậc trung học là “xếp bút nghiên” về nhà làm ruộng.
Học sinh Bỉnh Nghĩa được học tập trong cơ sở trường lớp khang trang.
Khi đất nước thống nhất, đời sống phát triển thịnh vượng, các gia đình quan tâm cho con em ăn học chu đáo. Hệ thống trường lớp được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em trong làng. Năm học 2013- 2014, toàn thôn có trên 800 học sinh các cấp đến trường. Riêng Trường Tiểu học Bỉnh Nghĩa có 518 học sinh được học tập trong cơ sở hai tầng lầu khang trang. Thôn Bỉnh Nghĩa có trên 30 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng và 25 người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều người nỗ lực học tập trở thành bác sĩ làm rạng danh cho cộng đồng dân cư như Đạo Văn Bờ, Dương Tấn Khoán, Sầm Văn Đống, Đạo Thị Lệ. Riêng già làng Đạo Duy Cần có ba người con tốt nghiệp sư phạm trở về giảng dạy tại địa phương. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống đồng bào Chăm thôn Bỉnh Nghĩa. Già làng Đạo Duy Cần, Lượng Thanh Nghệ là những người cao tuổi tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Hai ông tuyên truyền vận động con cháu, bà con thôn xóm đoàn kết chung tay xậy dựng nông thôn mới.
Già làng Đạo Duy Cần (bên phải) và già làng Lượng Thanh Nghệ bày tỏ lòng biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ,
Già làng Lượng Thanh Nghệ vui mừng nói, nhiều lớp học trò của tôi học hành thành đạt trở thành bác sĩ, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật tích cực tham gia xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp. Sau hơn 38 năm giải phóng quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng theo đường lối Bác Hồ đã thật sự đem lại tự do, cơm no, áo ấm cho đồng bào dân tộc Chăm. Trước năm 1975, làng Bỉnh Nghĩa rất nghèo, bà con thôn xóm ở trong những căn nhà mái tranh vách đất, trẻ em ít được đến trường. Đến nay, toàn làng đã “ngói hóa” nhà ở khang trang, con em được học hành chu đáo, bộ mặt nông thôn phát triển đáng mừng. Người dân Bỉnh Nghĩa chúng tôi bày tỏ sâu sắc lòng biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ đã đem lại cuộc sống thịnh vượng cho đồng bào Chăm!
Thái Sơn Ngọc