Việt Nam đã thâm nhập thành công thị trường thế giới với những mặt hàng truyền thống như gạo, cà phê và hồ tiêu. Tuy nhiên, ngành chế biến thực phẩm, mặc dù có nhiều tiềm năng xuất khẩu nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là sang thị trường Châu Âu. Bộ Công Thương đang triển khai những chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thành công thị trường Châu Âu vốn rất tiềm năng này.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Công ty Chè Á Châu Hà Nội là 1 trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu chè đen bước đầu thâm nhập thị trường châu Âu. Ông Phan Mạnh Linh, Phó Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty này cho biết, Châu Âu là thị trường rất tiềm năng, tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp mới chỉ tiếp cận được thị trường Đông Âu như Ba Lan, Ukraine với giá trị khoảng 2,5 triệu USD/năm. Hiện, công ty đang quan tâm và muốn thâm nhập thị trường Tây Âu như Đức, Anh… vì giá trị xuất khẩu tại đây thường cao gấp đôi thị trường khác. Tuy nhiên, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè Việt Nam còn cao. Đây là 1 trong những rào cản, thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bởi tiêu chuẩn của châu Âu rất chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Ông Phan Mạnh Linh còn cho biết: “Các thị trường khác, như Trung Đông, chỉ yêu cầu chất lượng, độ ẩm… nhưng thị trường Đức yêu cầu cao về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Khi vào thị trường Đức, hàng của công ty chúng tôi không đạt. Khó khăn của chúng tôi là không làm chủ được vùng nguyên liệu.”
Theo ông Koos Van Eyk, chuyên gia của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), hiện nay châu Âu là thị trường lớn nhất thế giới về đồ uống và thực phẩm. Chỉ tính riêng về tăng trưởng doanh số, ngành này đang dẫn đầu thế giới với tốc độ khoảng 3,5%. Đây thực sự là thị trường tiềm năng đối với Việt Nam, khi khả năng cung ứng của ta rất dồi dào. Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường châu Âu, trước hết, doanh nghiệp phải trải qua những yêu cầu về pháp lý, an ninh lương thực khắt khe. Tiếp đến là những quy định riêng của các nhà nhập khẩu.
Chuyên gia này cũng cho biết, từ nay đến năm 2016, Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) triển khai Chương trình xúc tiến cho ngành chế biến xuất khẩu Việt Nam vào châu Âu.
Như vậy tới đây, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, ca cao, chè; các loại hạt: điều, lạc; gia vị và mật ong sẽ có thêm cơ hội để thâm nhập thị trường này. Ông Koos Van Eyk cho biết: “Tham gia chương trình, doanh nghiệp Việt Nam có được hỗ trợ của chuyên gia quốc tế, từ A – Z từ xây dựng sản phẩm, phát triển sản phẩm, nâng cao sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu. Sau đó sẽ giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường, đưa đến các hội chợ triển lãm hoặc tiếp cận người mua, kết nối 2 bên, mở ra thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Mục tiêu chương trình này trong 3 năm tới hỗ trợ ít nhất 20 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Các chuyên gia quốc tế sẽ giới thiệu cũng như hỗ trợ để nắm rõ hơn về quy định của các nhà nhập khẩu; giúp doanh nghiệp tính toán chi phí, định giá sản phẩm xuất khẩu.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, “quy định của thị trường châu Âu rất nghiêm ngặt, công khai minh bạch. Vấn đề là chúng ta có đáp ứng được hay không. Chúng ta cần nghiên cứu, điều chỉnh nâng khả năng đáp ứng. Tự doanh nghiệp làm thì khó, cần hỗ trợ của bên ngoài. Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan sẽ tư vấn, tập huấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật để doanh nghiệp dần dần tiếp cận được, đặc biệt là tiếp cận được doanh nghiệp nhập khẩu chấp nhận điều kiện chúng ta đang dần dần tiến đến yêu cầu đó.”
Thực tế, 1 kg cà phê nguyên liệu xuất khẩu chỉ có giá bằng một tách cà phê sau khi chế biến. Điều này cho thấy, để nâng cao giá trị nông sản Việt, cần gia tăng giá trị cho sản phẩm nhờ vào khâu chế biến. Đẩy mạnh phát triển ngành chế biến thực phẩm là hướng đi tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp thì sự hỗ trợ của nhà nước, của tổ chức quốc tế là vô cùng cần thiết để giúp doanh nghiệp trong nước có chiến lược vững vàng vươn tới thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu.
Nguồn vov.vn