Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn của giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, Chính phủ, các cấp, các ngành đã thực hiện nhiều biện pháp để ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Đến nay, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ nhập siêu thấp, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng trưởng đáng kể. Nền kinh tế đang dần phục hồi tăng trưởng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Tuy nhiên, nợ xấu còn cao, việc sắp xếp lại tổ chức tín dụng còn chậm, lãi suất đã giảm nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu; hiệu quả của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn hạn chế. Những tồn tại này khiến nhiều mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 2011-2015 khó thực hiện được. Trong năm 2013, đã có tới 7/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.
“Nhận thức sâu sắc những khó khăn của nền kinh tế, Đảng và Chính phủ đã quyết tâm vận dụng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền kinh tế hiện đại, năng động và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Ý kiến tham luận của các đại biểu sẽ phân tích một cách sâu sắc những khó khăn hiện tại, những nguy cơ và xu thế trong tương lai với nền kinh tế, những kiến nghị đề xuất sẽ giúp cho Chính Phủ có những quyết sách mạnh mẽ hơn giúp nền kinh tế nhanh phục hồi hơn”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, phần lớn các chiến lược và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành của nước ta trong thời gian dài tỏ ra kém hiệu quả. Quy hoạch treo trở thành hiện tượng phổ biến gây lãng phí và bức xúc trong xã hội.
Những bất ổn trong kinh tế vĩ mô hôm nay là kết quả của một mô hình tăng trưởng không thực sự hợp lý, một cơ chế quản lý vẫn mang nặng tính xin- cho, những bất cập trong quản lý và thực hiện chi tiêu công vẫn tồn tại... Do vậy, cần có sự điều chỉnh chiến lược cho phù hợp, hiệu quả hơn.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị, Việt Nam hiện nay mới giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp xuống còn 22%. Đây là mức thuế cao tương đương và chỉ thấp hơn đôi chút so với trung bình của các nước phát triển rất cao.
"Việt Nam nên kiên trì thực thi lộ trình cắt giảm giảm thu nhập doanh nghiệp xuống dưới 20% và thấp hơn nữa. Việt Nam cũng nên thực hiện cắt giảm chi tiêu ngân sách để làm giảm bội chi ngân sách xuống khoảng 3% thay vì 5% như hiện nay và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ cần xây dựng một lộ trình kiên quyết nhằm thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước cả về số lượng lẫn tỷ trọng”, GS.TS Trần Thọ Đạt nói.
Nguồn vov.vn