Ngày 23-9 tại Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật Hậu gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tổ chức tọa đàm về các kết quả và định hướng tương lai”. Hội thảo nhằm chia sẻ thành tựu của Chương trình và thảo luận về thách thức trong công cuộc cải cách, hội nhập kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Tại buổi tọa đàm, ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO là bước quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra phía trước với người dân Việt Nam như việc cần tăng năng lực cạnh tranh, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị…
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình cho biết, trong 4 năm qua đã có 48 dự án được triển khai thực hiện để hỗ trợ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; giải quyết thách thức kinh tế- xã hội của hội nhập tới khu vực nông thôn; nâng cao năng lực quản lý và điều hành hội nhập…
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU, Hiệp định TTP… Trong quá trình hoàn thiện chính sách hội nhập và thực thi cam kết, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ quốc tế.
“Theo đánh giá của các chuyên gia cao cấp trong nước và quốc tế, chương trình B-WTO đã hỗ trợ phù hợp đạt được mục tiêu cải cách phát triển kinh tế xã hội, với những kết quả đáng ghi nhận có tầm chiến lược ảnh hưởng quốc gia về xây dựng chính sách và thể chế”.
“Sự hỗ trợ của chương trình cũng giúp các bộ, ngành, địa phương Việt Nam thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về một số chủ trương chính sách lớn, để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO”, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng trao đổi về một số vấn đề trong quản lý hội nhập kinh tế quốc tế; mối quan hệ giữa quá trình hội nhập và cải cách… Các chuyên gia cho rằng, chỉ có cải cách trong nước mới tạo ra những điều kiện mà Việt Nam có thể tận dụng tốt các cơ hội mà hội nhập mang lại cũng như có thể giảm thiểu được các rủi ro, kể cả rủi ro đối với sản xuất kinh doanh, đối với người tiêu dùng, đặc biệt là rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO cần xây dựng mô hình cung cấp thông tin, chương trình chuyển giao kinh nghiệm quốc tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đây là đối tượng dễ tổn thương nhất sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới.
Bà Lê Thanh Hà, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, với lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chiếm hơn 90% số doanh nghiệp trên toàn quốc, họ chính là những người bị tác động đầu tiên và trực tiếp khi chính sách đi vào cuộc sống.
“Cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp hiện nay vẫn đang loay hoay để có thể lấy được thông tin cho doanh nghiệp liên quan đến chính sách thương mại. Nếu doanh nghiệp được trang bị kiến thức, tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị chính sách thương mại hay đàm phán, họ có thể vững hơn khi chính sách đi vào cuộc sống”, bà Hà chia sẻ.
Nguồn vov.vn