Điều cũng đáng nói là nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật và các mô hình sản xuất mới nên giá trị sản xuất bình quân trên đầu diện tích đã không ngừng tăng lên, từ 25,7 triệu đồng năm 2008 nay tăng lên trên 50 triệu đồng, riêng vùng chủ động nước đạt trên 100 triệu đồng, cao hơn 30 triệu đồng/ha so với 5 năm trước đó. Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung như lúa, nho, táo và một số cây trồng làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp như mía, mỳ, thuốc lá… Trên thực tế, từ các vùng chuyên canh, tập trung này cộng với gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ… đã tạo được "đầu ra" khá ổn định với giá cả hợp lý và qua tính toán bảo đảm nông dân có lãi trên 30% theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cây cà rốt thích nghi trên vùng đất cát thôn Hòa Thạnh (xã An Hải, huyện Ninh Phước) đạt năng suất mỗi vụ 3,5- 4 tấn
cho thu nhập 30 triệu đồng/sào. Nông dân trồng cà rốt sau 3 tháng thu hoạch có lãi ròng 15- 20 triệu đồng/sào.
Trong ảnh: Niềm vui trúng mùa cà rốt của nông dân Nguyễn Văn Hợi. Ảnh: Sơn Ngọc
Tuy nhiên, nếu so với tổng diện tích gieo trồng thì số diện tích sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp chỉ chiếm con số khiêm tốn. Có nhiều lý do, trong đó lý do chủ yếu là mối “liên kết 4 nhà” trên thực tế chưa được nhân rộng ở các địa phương. Mặt khác, do thiếu sự hợp tác ngay chính từ người sản xuất nên sản phẩm nông nghiệp chưa tạo thành hàng hóa lớn, đồng bộ… cũng làm cho doanh nghiệp đầu tư e ngại. Không những vậy, thị trường nông sản luôn bấp bênh theo kiểu được mùa lại mất giá và ngược lại nên khó đầu tư. Vài năm gần đây có một thực tế trong sản xuất là do chi phí "đầu vào" (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động…) lại quá cao và tăng theo từng vụ, trong khi đó "đầu ra" lại không ổn định, giá sản phẩm thấp nên mất cân đối, thậm chí có vụ còn lỗ vốn dẫn đến người sản xuất phải hạn chế đầu tư. Hệ lụy tất yếu là năng suất và chất lượng nông sản sẽ giảm. Và như vậy cũng đồng nghĩa là càng sản xuất càng… khó khăn.
Hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung xây dựng nông thôn mới. Trong đó có tiêu chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với áp dụng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Muốn vậy, vấn đề cần đặt ra là phải cơ cấu lại sản xuất theo hướng gắn với thị trường. Trong đó, vai trò doanh nghiệp hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm là hết sức quan trọng. Hay nói khác hơn là các doanh nghiệp cần “đặt hàng” cho nông dân sản xuất như một số mô hình sản xuất lúa giống, bắp giống, rau sạch… đã từng làm trên địa bàn tỉnh tuy còn ở quy mô nhỏ. Vừa qua, tỉnh ta đã có chủ trương hợp tác với một số doanh nghiệp để mở rộng quy mô trồng bông vải, ớt… Đây cũng là hình thức “đặt hàng” cho nông dân sản xuất.
Thiết nghĩ, để nông dân làm giàu chính trên mảnh đất của mình, cần thay đổi “cách nghĩ” từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết gắn với thị trường. Và “gạch nối” cho liên kết này rất cần đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan.
Tuấn Dũng