Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 19-9, tại Lăng Ông Thủy Tướng, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nghinh Ông.

 
Đoàn thuyền rồng rước ông Thủy tướng trong Lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ.
Ảnh: radiovietnam.vn

Trong đợt 3 này, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố có 6 di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính đến nay, cả nước có 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 2 di sản; trong đó, có lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.

Ông Lê Văn Hùng, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là vinh dự lớn đối với huyện Cần Giờ và thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó khẳng định nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của Lễ hội, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và ngư dân huyện Cần Giờ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong thời gian qua. Việc bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của lễ hội Nghinh Ông cần phải có sự kết hợp tổng hòa giữa địa phương và Trung ương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho thành phố, đặc biệt là huyện Cần Giờ tiếp tục xây dựng đề án bảo tồn và mở rộng phát triển trên cơ sở truyền thống, tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối, lưu truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tục thờ cá Ông (cá Voi) phổ biến của ngư dân các tỉnh ven biển từ Quảng Bình trở vào đến Hà Tiên (Kiên Giang). Tại Cần Giờ, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào dịp rằm trung thu, trong 3 ngày từ 15-17/8 âm lịch; trong đó, có hai phần chính Lễ và Hội. Tại Lăng Ông Thủy Tướng và Bến đò cơ khí, phần trọng tâm của lễ hội là nghi lễ Nghinh Ông trên biển được diễn ra vào ngày 16/8 âm lịch. Trước đó, các nghi thức cúng lễ đã được tổ chức long trọng và trang nghiêm tại Lăng Ông Thủy Tướng.

Lễ hội phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, quan niệm và tri thức dân gian của ngư dân huyện Cần Giờ. Các nghi thức, nghi lễ cùng những hoạt động diễn ra trong lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân, nhằm tạ ơn Thần Nam Hải (cá Voi) và Thần biển đã che chở, hỗ trợ ngư dân trong cuộc sống, sản xuất. Lễ hội cũng là lễ cầu mong sự bình an khi ra biển, cầu mong một mùa bội thu, đây còn là dịp để các ngư dân tạ ơn những người đã chế tạo ra phương tiện và ngư cụ sản xuất…

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam