Văn hóa giao thông: Nhìn từ những điều tưởng nhỏ

(NTO) Tai nạn giao thông xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bắt đầu từ việc ý thức kém và thiếu văn hóa từ những điều rất nhỏ khi tham gia giao thông.

Sử dụng còi xe và đèn xe

Còi xe được nhiều người dùng một cách thiếu kiểm soát, thích là bấm, bấm liên tục mà không quan tâm tới người cùng tham gia giao thông. Có người dừng đèn đỏ cũng bấm, tắc đường cũng bấm, hoặc gặp người quen trên đường cũng bấm còi để “chào nhau”… Không những thế, một số người, đặc biệt là thanh niên còn hay dùng tiếng xe cứu thương, cứu hỏa thay cho tiếng còi xe thông thường, thậm chí lắp thêm tăng âm để tiếng còi to hơn như một kiểu chơi "trội" làm không ít người bức xúc, khó chịu.

Văn hóa giao thông nằm trong ý thức của mỗi người. (Ảnh chụp lúc 9h50, ngày 11-9-2013)

Kế đến là văn hóa sử dụng đèn xe khi tham gia giao thông vào buổi tối hoặc ở những chỗ thiếu ánh sáng. Đèn pha có chùm ánh sáng mạnh được dùng khi đi đường trường, khi thời tiết xấu hoặc lúc phải cần tầm quan sát xa; còn đèn cốt là đèn chiếu gần, giúp quan sát mặt đường, dễ dàng né tránh những vật lạ. Có nhiều người chỉ cần thấy tối là bật đèn, bất kể trong khu vực đường chật hẹp hoặc đông dân cư... mà không biết là mình đang sử dụng đèn pha, hoặc không quan tâm tới việc bật đèn pha khi không cần thiết, làm ảnh hưởng tới tầm nhìn của người đi ngược chiều.

Tiếng còi xe “đinh tai, nhức óc” có thể làm người đi đường “giật mình”, tay lái chệnh choạng. Ánh sáng mạnh của đèn pha có thể làm người đi ngược chiều chói mắt, mất khả năng quan sát. Chính sự ích kỷ, vô ý thức trong cách sử dụng còi và đèn xe của một bộ phận người tham gia giao thông đã gây hại cho rất nhiều người, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em.

Ứng xử khi gặp tai nạn trên đường

Khi tham gia giao thông, mình có thể là người bị nạn, cũng có khi mình là người gây ra tai nạn, hoặc là người chứng kiến tai nạn của người khác. Trong những trường hợp như vậy, văn hóa giao thông của mỗi người cũng được bộc lộ khá rõ nét:

Không thiếu những trường hợp người tham gia giao thông gây tai nạn cho người khác lại tìm cách lẩn trốn hay thoái thác trách nhiệm. Cũng không hiếm gặp cảnh cả người va chạm và người bị va chạm giao thông đều văng tục, chửi thề, không cần biết người kia bị thương ra sao… Nghiêm trọng hơn nữa là thái độ thờ ơ, vô cảm của người dân khi chứng kiến cảnh người khác bị tai nạn. Hàng chục người tò mò, hiếu kỳ, sẵn sàng dừng xe giữa đường, tụm năm tụm ba lại để xem cảnh tai nạn giao thông… nhưng lại không hề ra tay giúp đỡ người bị nạn. Hành động đó không những làm cản trở giao thông, mà còn là biểu hiện sự “vô cảm”, dửng dưng trước nỗi đau của người khác.

Văn hóa giao thông của mỗi người không chỉ ở việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, mà còn là là thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi tham gia giao thông, là sự tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Hãy là một công dân có văn hóa khi tham gia giao thông bắt đầu từ những việc rất nhỏ và đơn giản như bấm còi đúng lúc, dùng đèn pha khi thực sự cần thiết, chịu trách nhiệm khi gây ra tai nạn… và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người bị nạn.