Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành của huyện Ninh Sơn đã cụ thể hoá Nghị quyết năm 2013, triển khai kịp thời, đồng bộ các chủ trương, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nên sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối ổn định. Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện trên 14.622 ha, trong đó vụ hè -thu là 9.928 ha.
Nông dân huyện Ninh Sơn chăm sóc bắp. Ảnh: Thanh Long
Hiện nay, các loại cây lương thực gieo trồng trong vụ như lúa được 2.712 ha, bắp được 905 ha và các loại cây thực phẩm như đậu đạt diện tích 883 ha, rau các loại đạt 141 ha đang được nông dân thu hoạch. Đặc biệt là diện tích mía 2.435 ha, khoai mì 2.479 ha (đang thu hoạch kéo dài theo niên vụ) đã cho thấy vùng nguyên liệu phục vụ cho Công ty Mía đường Phan Rang và Nhà máy Tinh bột mì đóng trên địa bàn đang được mở rộng. Nếu so với chỉ tiêu phấn đấu đạt diện tích 2.000 ha mía, 2.200 ha khoai mì mà Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2015, có thể thấy đang có sự bứt phá mới của vùng trồng cây nguyên liệu này. Đồng chí Trần Long Biên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Dù còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, nhưng nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong huyện, tình hình kinh tế-xã hội Ninh Sơn 9 tháng qua đã phát triển ổn định, dự báo sẽ hoàn thành đạt kế hoạch cả năm.
Nhìn lại từ đầu năm đến nay, có thể thấy Ninh Sơn chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cũng như chuyển dịch cơ cấu cây trồng; nâng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi như Nghị quyết năm 2013 đã xác định. Cụ thể, vùng trồng cây nguyên liệu mía và khoai mì (tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn và một số xã dọc quốc lộ 27) vẫn là điểm nhấn về sản xuất nông nghiệp của Ninh Sơn. Từ điểm nhấn này, Ninh Sơn kỳ vọng sẽ là điều kiện đưa nông nghiệp phát triển theo hướng CNH, HĐH hiệu quả và bền vững như định hướng của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề ra.
Ứng dụng giống mới, nhằm cải tạo vườn cây ăn trái tại Lâm Sơn (Ninh Sơn).
Hiện nay, Ninh Sơn đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng giống cây trồng mới tại các địa phương. Cùng với các mô hình thâm canh bắp lai giống, lúa giống, các mô hình trồng một số loại cây mới, nuôi cá nước ngọt ở các xã dọc Quốc lộ 27 đang chứng minh hiệu quả mang lại. Điều đáng chú ý hơn là mô hình thâm canh giống mía mới và mô hình cơ giới hoá trong sản xuất mía đang mở ra triển vọng mới về việc nâng chất lượng mía trồng ở xã Quảng Sơn, thị trấn Tân Sơn. Về lĩnh vực chăn nuôi, với đàn bò trên 14.150 con, đàn dê gần 3.800 con, đàn cừu gần 13.600 con và đàn heo trên 14.300 con, cũng được coi là thế mạnh nông nghiệp của Ninh Sơn. Diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi hiện chỉ có 176 ha, tuy không nhiều nhưng với đặc điểm điều kiện tự nhiên, khí hậu thích hợp, Ninh Sơn vẫn là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của gia súc có sừng. Nhờ tiềm năng đất đai chưa sử dụng còn rất lớn, Ninh Sơn có khả năng cải tạo làm đồng cỏ chăn thả và đầu tư trồng mới cây thức ăn cho gia súc.
Nhờ kinh tế tăng trưởng, đã tác động lĩnh vực xã hội chuyển biến tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; lĩnh vực quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững..
Hướng tới mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm nay, Ninh Sơn xác định nhiệm vụ cần tập trung là chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất; triển khai thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tăng cường các biện pháp phòng chống phá rừng, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm lâm luật. Đặc biệt là khẩn trương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông trên địa bàn và tiếp tục triển khai công tác tấn công trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh nông thôn.
Bạch Thương