DỰ ÁN CẠNH TRANH NÔNG NGHIỆP:

Duy trì mối liên minh trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân

(NTO) Trong thời gian qua, các Liên minh sản xuất (LMSX) thuộc Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) của tỉnh ta đã hoạt động tương đối tốt và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhiều giống mới, nhiều quy trình sản xuất mới được áp dụng đã góp phần tích cực nâng cao trình độ thâm canh, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và thu nhập cho nông dân. Bộ mặt đời sống nông thôn ở những nơi có LMSX đã thực sự khởi sắc. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các LMSX vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.

Theo Ban quản lý ACP tỉnh, từ năm 2010 đến 2012, toàn tỉnh đã thành lập được 12 LMSX với sự tham gia của 1.302 hộ nông dân, định hình 15 tổ chức nông dân liên kết với 11 doanh nghiệp.

Thu hoạch lúa tại tổ hợp tác LMSX lúa giống Vụ Bổn (Thuận Nam).

Đến nay, có 7 LM (thành lập năm 2010) đã tổng kết hoạt động, kết thúc chu kỳ hỗ trợ của ACP là: LM nuôi cừu Huỳnh Thiên, LM sản xuất lúa giống Nhahoseed, LM trồng táo xanh Văn Hải, LMSX rau an toàn An Hải, LMSX rau an toàn Tuấn Tú-Đại Lợi, LMSX mít đặc sản Sông Pha và LMSX giống dê lai Bachboer Phước Hậu. 5 LM đang hoạt động gồm: LMSX giống ngô Nhahoseed, LMSX giống mía Quảng Sơn, LMSX lúa gạo Bình Minh, LMSX hành tỏi Hải Việt và LMSX hành tỏi Tâm Hoàng Sơn. Anh Nguyễn Văn Luận, cán bộ tư vấn B của Ban quản lý ACP tỉnh cho biết: Ngay trước khi kết thúc chương trình hỗ trợ, vì lý do khách quan từ sự tan rã hoặc chững lại của các doanh nghiệp hợp tác trong LM, đã có các LM nuôi cừu Huỳnh Thiên, trồng táo Văn Hải, mít đặc sản Sông Pha phải hoạt động cầm chừng, gặp nhiều khó khăn.

Mặt hạn chế thấy rõ nhất trong thời gian qua của các LMSX là do có hỗ trợ của ACP nên quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân không hoàn toàn là các quan hệ kinh tế đơn thuần. Điều đó thể hiện: Nông dân trong LM không được tự do lựa chọn người mua sản phẩm của mình mà phải bán cho doanh nghiệp; doanh nghiệp mua được sản phẩm của nông dân không phải là do tự vận động mà nhờ quy định của ACP. Ngoài hỗ trợ của ACP, doanh nghiệp hầu như không có quan hệ nào về mặt kinh tế đối với nông dân. Đặc biệt là những hạn chế do tính thụ động của nông dân, dẫn đến chưa phát huy tốt ý thức tự chủ trong các LM; doanh nghiệp chưa làm đủ vai trò nòng cốt trong LM, còn tách rời hoạt động của nông dân; sự thiếu quan tâm đến LM của chính quyền cấp xã.

Dù còn một số hạn chế, nhưng theo Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Vân Đình, chuyên gia Tư vấn của Công ty TNHH Tư vấn và dịch vụ Đồng Hành (đơn vị tư vấn cho ACP tỉnh ta), nhìn chung việc triển khai các chính sách hỗ trợ LMSX đã tháo gỡ khó khăn cho nông dân, qua hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp, tổ hợp tác đã tạo ra một mô hình kinh tế hợp tác mới trong nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà. Từ việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, để LMSX phát triển, hoạt động tốt, qua điều tra khảo sát, Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Vân Đình đề xuất: Cần phải có doanh nghiệp mạnh làm nòng cốt trong chiến lược phát triển LM, phát huy vị thế của nông dân trong quá trình ký các hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, phát huy vai trò của Ban quản lý LM, chính quyền cùng các tổ chức chính trị-xã hội cấp cơ sở và xác định rõ tư cách pháp nhân các LMSX.

Nhìn lại những LMSX đã kết thúc hỗ trợ hoặc đang nhận hỗ trợ từ ACP tỉnh, có thể thấy điểm chung là đã tạo điều kiện cho nông dân làm ăn đơn lẻ biết LMSX và làm ra nông sản có giá trị cạnh tranh cao, dễ tiêu thụ khối lượng lớn và ổn định. Vì vậy theo Ban quản lý ACP tỉnh, vấn đề đặt ra hiện nay là phải tiếp tục xây dựng và duy trì được mối liên minh đối tác trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân sau khi không còn hỗ trợ của dự án. Theo hướng đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất tỉnh có các chính sách hỗ trợ khi có sự liên minh giữa doanh nghiệp và tổ chức nông dân. Đó là nhân tố tác động phát triển kinh tế hợp tác nông nghiệp, từng bước cải thiện cuộc sống cho nông dân và góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới.