Mặc dù tổng diện tích tự nhiên toàn xã gần 2.700 ha nhưng chỉ có khoảng 800 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 500 ha canh tác lúa và một số diện tích khác trồng hoa màu, còn lại là đất hoang hóa. Điều đáng nói là phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp của địa phương không chủ động nước tưới. Từ khi các hệ thống tưới hồ Tân Giang và hồ Suối Lớn được đưa vào sử dụng, bà con mới sản xuất được 2-3 vụ/năm.
Chăn nuôi cừu được xác định là một thế mạnh của xã Phước Ninh.
Đồng chí Thiên Sanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với những khó khăn về điều kiện tự nhiên như vậy, nông dân nơi đây đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản như ứng dụng các mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa, sản xuất lúa giống, kỹ thuật mới về chăm sóc cây trồng... Nhờ vậy, không chỉ kỹ thuật canh tác được nâng lên mà năng suất lúa cũng ngày một tăng, từ 40-50 tạ/ha lên 55-65 tạ/ha. Mặt khác, bà con nông dân còn chủ động tìm kiếm loại cây trồng phù hợp. Ngoài lúa, bắp, còn có các cây trồng như ớt, hành tím và các cây trồng lâu năm như nho, táo, trôm được địa phương khuyến khích phát triển, mở rộng diện tích.
Bên cạnh cây trồng, Phước Ninh còn thế mạnh về chăn nuôi với tổng đàn gia súc gần 4.500 con và gia cầm trên10.800 con. Để hỗ trợ những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định kinh tế gia đình, những năm qua, nhiều chương trình, mô hình phát triển chăn nuôi bò được giới thiệu, thực hiện tại địa phương. Điển hình như mô hình chuyển giao bò sinh sản, triển khai từ năm 2008 trên cả 4 thôn. Từ 48 bò con/48 hộ tham gia mô hình, các hộ chăm sóc đến khi bò sinh sản thì giao bò con cho hộ khác và giữ lại bò mẹ, đến nay, số lượng bò chuyển giao đã tăng lên 80 con. Tháng 4/2013, Qũy hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) thực hiện dự án hỗ trợ vốn vay nuôi bò vỗ béo tại thôn Thiện Đức, với 30 hộ tham gia. Mỗi hộ được vay 20 triệu đồng trong 2 năm, lãi suất hỗ trợ 0,8%/tháng.
Trong thế mạnh về chăn nuôi, đáng chú ý là đàn dê, cừu đang phát triển khá nhanh với gần 2.500 con, đa số là cừu. Ông Bá Văn Tĩnh, nông dân thôn Vụ Bổn cho biết: “Sở dĩ người dân thích nuôi cừu hơn vì thời gian gần đây, giá cừu thịt và cừu sinh sản đều khá ổn định. Hơn nữa, cừu không kén thức ăn như những loài gia súc khác nên dễ nuôi, dễ chăm sóc hơn, đầu tư ban đầu cũng không quá nặng, lại nhanh thu hồi vốn, tận dụng được lao động nhàn rỗi của gia đình. Mỗi hộ gia đình, tùy điều kiện kinh tế mà phát triển đàn với quy mô khác nhau, phổ biến là vài ba chục con, cũng có hộ nuôi trên trăm con cừu”. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để hình thành các trang trại chăn nuôi cừu quy mô lớn, tiến đến tạo thương hiệu cho địa phương.
Với tiềm năng thế mạnh được xác định, tin rằng xã Phước Ninh sẽ vượt qua những khó khăn về điều kiện tự nhiên khắc nghiệt để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, góp phần vào xây dựng thành công nông thôn mới.
Bảo Bình