Gia đình anh Lê Quốc Anh (thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn) có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tháng 5 vừa qua, anh đăng ký tham gia Dự án “Chăn nuôi bò vỗ béo” của Hội Nông dân tỉnh và được vay 30 triệu đồng. Với số vốn này, cộng với 14 triệu đồng tích cóp được, anh mua 2 cặp bò tơ, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Anh còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn vỗ béo bò theo phương pháp bán công nghiệp, nên mới qua 2 tháng nuôi, anh đã bán lãi hơn 14 triệu đồng. Tương tự gia đình anh Anh, gia đình chị Thiệu Thị Phượng, ở thôn Tân Hòa, trước đây chỉ biết chăn nuôi bò theo phương pháp truyền thống, kém hiệu quả.
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ảnh: Văn Miên
Tham gia vào dự án, chị Phượng được Hội cho vay 30 triệu đồng có thêm vốn để mua 2 cặp bò tơ, trồng 3 sào cỏ voi, lắp đặt ống dẫn nước từ suối về nhà nuôi bò theo mô hình khép kín bán công nghiệp, nhờ đó bò của gia đình chị phát triển rất nhanh. Chị Phượng phấn khởi cho biết: Với cách nuôi mới này, không những giúp bò tăng cường sức đề kháng mà tăng trọng nhanh gấp 2 lần so với phương pháp cũ. Giá bò tơ lúc mua về 13 triệu đồng/con, đến nay, nếu bán ra mỗi con cho lãi không dưới 5 triệu đồng. Do mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay, dự án “Chăn nuôi bò vỗ béo” đã được Hội Nông dân tỉnh nhân rộng thực hiện cho 30 hộ nông dân tại 3 xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), Phước Hữu (Ninh Phước), Phước Ninh (Thuận Nam), mỗi hộ được vay 30 triệu đồng làm vốn đầu tư mua bò, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Hiện nay, số bò phát triển tốt, qua đó không chỉ tạo việc làm mà còn cải thiện thu nhập đáng kể cho nông dân.
Có dịp đến thăm HTX trồng táo Mỹ Khánh (thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải), ông Nguyễn Phế, Chủ tịch HTX vui vẻ cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày phát triển. Đặc biệt, từ khi được Hội Nông dân tỉnh triển khai Dự án “Trồng và chăm sóc vườn táo” trên diện tích 10 ha của 40 hộ thành viên của HTX, bà con hết sức phấn khởi. Tham gia dự án, mỗi hộ được Hội cho vay 20 triệu đồng; được tập huấn bồi dưỡng chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGAP, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giúp các hộ tiến hành lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm… qua đó giúp các hộ tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư, công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năng suất táo đạt trên 6 tấn/ha, trừ các chi phí sản xuất, trung bình mỗi hộ thu lãi gần 5 triệu đồng/tháng.
Nông dân xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải phát triển diện tích trồng táo, nâng cao thu nhập.
Mô hình “Chăn nuôi bò vỗ béo” và “Chăm sóc vườn táo” chỉ là 2 trong số nhiều mô hình sản xuất hiệu quả do Hội Nông dân triển khai trong những năm qua. Không chỉ chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho bà con, thông qua các mô hình, Hội còn giúp cho nhiều hộ nông dân vay vốn với lãi suất thấp, để có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất. Điều đáng ghi nhận hơn nữa chính là ngoài sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, các cấp hội ở cơ sở và bà con đã hết sức linh hoạt, chủ động tìm ra những mô hình phương pháp canh tác mới phù hợp với điều kiện kinh tế, đặc điểm tự nhiên ở địa phương nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đáng kể thu nhập cho gia đình.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trên cơ sở kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngoài việc nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, Hội tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chức năng tìm hiểu, nghiên cứu, tìm ra các mô hình, con giống, cây giống mới có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần nâng cao vai trò của Hội trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Uyên Thu