Thực tế cho thấy, trước tình hình giá lúa hàng hóa bấp bênh theo kiểu “được mùa, mất giá”, nhiều nông dân trồng lúa đã chủ động chuyển đổi hướng canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Gần đây, ngành Nông nghiệp không ngừng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, áp dụng một số chương trình canh tác trên cây lúa như mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, “Cùng nông dân ra đồng”… Từ các chương trình hỗ trợ của các cấp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ninh Phước đã thực hiện song cùng trồng lúa hàng hóa và lúa giống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân thôn Trường Thọ thu hoạch lúa giống vụ hè thu.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, mỗi năm, huyện có gần 500 ha sản xuất lúa giống, năng suất bình quân 65 tạ/ha; riêng vụ đông-xuân có thể đạt 75-80 tạ/ha, cung ứng hơn 3.000 tấn lúa giống đạt chất lượng cho thị trường. Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố đã hợp tác với nông dân các xã qua kênh trung gian là các HTX dịch vụ nông nghiệp, trong đó tập trung diện tích lớn ở Phước Thái, Phước Hữu, Phước Hậu... sản xuất lúa giống nguyên chủng và xác nhận, đáp ứng nhu cầu về giống chất lượng cao cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ từ Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, UBND huyện Ninh Phước đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, hình thành vùng chuyên sản xuất lúa giống năng suất cao ở một số xã trọng điểm lúa của huyện.
Để sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao, các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp huyện đã chú trọng phương thức liên kết “4 nhà” trong sản xuất để đảm bảo đầu ra cho lúa giống sau thu hoạch. Ông Nguyễn Thành Anh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu) cho biết: Vào đầu vụ, HTX ký kết với Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật-vật tư và bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên. Qua thực tế sản xuất cho thấy, so với trồng lúa hàng hóa trên cùng một diện tích canh tác, lợi nhuận thu được từ trồng lúa giống tăng hơn khoảng 30%. Ngoài ra, đơn vị cũng thu mua với mức giá cao hơn giá thương buôn từ 300-500 đồng/kg. Cái được nữa đối với nông dân là ngoài thu nhập cao còn có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trên đồng ruộng. Bởi mô hình sản xuất lúa giống được nông dân thực hiện theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” khá hiệu quả.Từ các buổi tập huấn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện cũng như Công ty cung cấp giống, sau mỗi vụ HTX tổ chức họp xã viên rút ra kinh nghiệm để sản xuất vụ sau. Hiện tại, khoảng 45% diện tích canh tác của xã viên là trồng lúa giống và diện tích đó cứ tăng lên qua các năm do bà con thấy lợi ích kinh tế của nó cao hơn so với lúa hàng hóa.
Cũng theo nhiều nông dân cho biết, từ chỗ áp dụng các kỹ thuật trồng lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” trên cây lúa cho hiệu quả cao, bà con nông dân đã chủ động thực hiện các mô hình này trong sản xuất lúa giống. Nông dân Bùi Hải (thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu) là một trong nhiều hộ trồng lúa ở Ninh Phước đã chuyển đổi từ lúa hàng hóa sang sản xuất lúa giống hoàn toàn. Hiện nay, ông Hải có 8 ha chuyên sản xuất lúa giống, với năng suất bình quân 50 tấn/năm, được Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra. Ông Hải cho biết: Ban đầu, việc trồng lúa giống phức tạp hơn lúa hàng hóa, nhưng được cán bộ kỹ thuật theo sát nên bà con nông dân không biết chỗ nào thì hỏi ngay. Trước khi xuống giống, chúng tôi được tập huấn kỹ, được hỗ trợ một phần chi phí cho khâu làm đất. Đến ngày bón phân, phun thuốc trừ sâu có cán bộ kỹ thuật nhắc nhở, hướng dẫn trực tiếp. Làm lúa thường, khi thu hoạch thì bán cho thương nhân, giá cả tùy vào họ, còn lúa giống thì đã cóTrung tâm bao tiêu, giá lại cao hơn lúa hàng hóa. Với diện tích của gia đình tôi thì lãi thu được khoảng 150 triệu đồng/3vụ/năm.
Là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, sản xuất nông nghiệp luôn được các cấp chính quyền huyện Ninh Phước xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế. Theo đó, huyện đang có chủ trương mở rộng diện tích sản xuất lúa giống và quy hoạch lại vùng chuyên canh sản xuất, trong đó có vùng sản xuất lúa giống năng suất cao phục vụ xây dựng nông thôn mới tại các xã. Qua đó, càng thêm khẳng định, bên cạnh lúa hàng hóa, hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa giống ở huyện Ninh Phước đang giúp nông dân làm giàu trên chính đồng ruộng của mình.
Diễm My