Phát triển các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp

Liên kết trong sản xuất và kinh doanh luôn là hướng được khuyến khích phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đang là nền nông nghiệp nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống. Vì vậy, sự hợp tác, liên kết trong ngành càng cần thiết hơn bao giờ hết.

 
Ảnh minh họa (nguồn: agroviet.gov.vn)

Theo lý thuyết chung, liên kết nhằm mục tiêu phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia để các tác nhân tham gia cùng nhau phát triển. Liên kết thường được phân chia thành liên kết dọc và liên kết ngang. Liên kết dọc là liên kết giữa các tác nhân theo đường đi của sản phẩm (từ người sản xuất đến người tiêu dùng), trong khi liên kết ngang là liên kết các tác nhân, các đối tượng cùng tham gia vào các hoạt động tương tự nhau (ví dụ: liên kết các hộ nông dân với nhau, các hợp tác xã).

Điển hình cho các mô hình liên kết dọc trong mấy năm gần đây là mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín. Trong mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả vai trò đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Mô hình sẽ thành công hơn khi doanh nghiệp có vốn lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định. Đại diện cho mô hình này phải kể đến mô hình tổ chức chăn nuôi lợn và gia cầm ở Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; Mô hình tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất chế biến cá tra thuộc Công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang...

Mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, KHKT và tổ chức quản lý dự án. Người nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp và trở thành những cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương khi lao động. Hình thức này xuất hiện nhiều trong ngành sản xuất cao su ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bà Rịa – Vũng Tàu và ngành mía đường ở Thanh Hoá. Tính đến năm 2012, diện tích đất góp tại các tỉnh trồng cao su ở Tây Bắc đã đạt xấp xỉ 20.000 ha. Dự kiến đến năm 2020 là khoảng 50.000 ha. Điểm mạnh của hình thức liên kết này là có tính hợp tác và chia sẻ rủi ro cao giữa nông dân và doanh nghiệp. Góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất nhưng về mặt pháp lý, nông dân vẫn là chủ sở hữu tư liệu sản xuất. Đất đai của họ không bị thu hồi hay bị buộc phải bán đất cho doanh nghiệp như các dự án khác.

Bên cạnh các mô hình liên kết dọc, thời gian qua cũng xuất hiện các mô hình liên kết mới theo chiều ngang, liên kết giữa những người sản xuất, các đơn vị kinh doanh với nhau. Điển hình là mô hình các hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác kiểu mới.

Ở loại hình tổ chức mới này có hàng trăm HTX kiểu mới được hình thành và phát triển trong thời gian gần đây, đang sản xuất và kinh doanh khá hiệu quả, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình xã viên. Những HTX điển hình trong lĩnh vực này là: Hợp tác xã thủy sản Thới An, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra ở Cần Thơ; HTX chăn nuôi bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng; HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Tân Cường của tỉnh Đồng Tháp; HTX hoa cây cảnh Văn Giang tỉnh Hưng Yên... Các HTX này đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất cả ở đầu vào và đầu ra cho hộ xã viên như cung cấp vật tư, phân bón, nguyên liệu thức ăn gia súc, bảo vệ thực vật và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. HTX cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông hộ, đại diện cho hộ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản; Bảo vệ quyền lợi cho xã viên. Nhiều HTX hiện nay doanh thu đạt đến chục tỷ đồng mỗi năm. Và nhờ có HTX mà kinh tế hộ xã viên không ngừng phát triển, đời sống của bà con nông dân ngày càng nâng cao.

Ngoài ra, còn khoảng 114.000 Tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (số liệu năm 2011), ra đời một cách hoàn toàn tự nguyện hoạt động theo quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2007. Đây là một con số ấn tượng đối với sự phát triển của kinh tế hợp tác trong nông nghiệp hiện nay.

Các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã dưới hình thức HTX dịch vụ nông nghiệp, công ty cổ phần cũng phát triển mạnh trong thời gian qua.

Loại hình HTX này phát triển mạnh ở các tỉnh phía bắc thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất như tưới tiêu, cung cấp giống, vật tư phân bón, tổ chức dịch vụ làm đất, thu hoạch và chuyển giao KHKT, dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung và tiêu thụ nông sản cho xã viên. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hiện nay còn đảm nhận việc thu gom và xử lí rác thải, bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch ở nông thôn. Các dịch vụ của HTX không chỉ trong nội bộ các thành viên HTX mà còn phục vụ cả cộng đồng làng, xã.

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới hiện nay, vai trò và sự đóng góp của các mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp kiểu này là hết sức có ý nghĩa. Những điển hình cho loại hình tổ chức sản xuất trên phải kể đến HTX Đại Phong, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình; HTX Nông nghiệp Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; HTX nông nghiệp Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp, từ trước đến nay chúng ta thường khuyến khích và tổ chức nhiều mô hình liên kết ngang hơn là liên kết dọc, ví dụ thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác,... Tuy nhiên, để sản xuất hiệu quả và nông sản của chúng ta có thể cạnh tranh được với các nước thì cần mở rộng hình thức liên kết dọc. Các hình thức này sẽ phân bố hài hòa lợi ích và rủi ro giữa các tác nhân.

Có thể thấy, liên kết trong sản xuất nông nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế và rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Để phát huy những lợi thế trong liên kết sản xuất nông ngiệp, theo các chuyên gia, trong thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất phát triển và tăng cường liên kết phải xuất phát từ quan điểm phát triển chuỗi nông sản, nhất là chuỗi giá trị nông sản. Cần phải thống nhất và chú ý đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất đến người tiêu dùng.

Đặc biệt, hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp, công ty với hộ nông dân ở miền núi đã có, nhưng chỉ ở những vùng sản xuất hàng hóa. Trong khi hầu hết các vùng miền núi, sản phẩm khó tập trung được số lượng lớn. Nên chăng ở các vùng này khuyến khích các doanh nghiệp, công ty hợp tác, liên kết phát triển các sản phẩm đặc sản hoặc đặc thù. Ngoài ra, cần mở rộng phát triển và mở rộng các chợ nông thôn hiện có để tăng cường các liên kết không theo hợp đồng.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam