Trần Đại Nghĩa – tấm lòng vì nghĩa lớn

Trần Đại Nghĩa là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay.

Nhắc đến cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (11/9/1913) nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học đến người dân đều thể hiện sự kính trọng sâu sắc. Kính trọng không chỉ sự đam mê học tập, học suốt đời để phụng sự Tổ quốc, ông còn là người xây dựng nền móng cho ngành khoa học Việt Nam.

Những thành tựu nghiên cứu, chế tạo và cải tiến nhiều loại vũ khí của ông và các đồng nghiệp đã góp phần giảm khoảng cách về trình độ khoa học quân sự giữa ta và địch, giúp quân ta giành thế thủ động trên chiến trường, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng nhanh, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, người con quê hương xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long – một vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện GS.VS Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Tư liệu

Xuất thân từ gia đình nghèo, chứng kiến cảnh cuộc sống bần hàn, cơ cực của người dân dưới ách đô hộ, đàn áp dã man của thực dân Pháp, ông nuôi chí học hành thật giỏi để đánh đuổi thực dân cho dân mình bớt khổ, bớt lầm than. Muốn vậy, phải có chiến lược, chiến thuật và vũ khí.

Hiểu được điều đó, năm 22 tuổi, ông sang Pháp học, hành trang mang theo chẳng có gì ngoài hoài bão được học hỏi để trở về phục vụ đất nước. Vượt qua thiếu thốn về vật chất, hiểm nguy, ông phải mò mẫm tự học. Đặc biệt với khối kiến thức đồ sộ về vũ khí, ông phải đối mặt với những hiểm nguy nếu bị phát hiện.

Sau khi thành tài, kỹ sư Phạm Quang Lễ từ bỏ chức vụ Kỹ sư trưởng ở hãng chế tạo máy bay với mức lương tương tương 22 lượng vàng/tháng, để cùng Bác Hồ về nước với ý tưởng mãnh liệt về phục vụ đất nước dù biết rằng quê nhà sẽ cực khổ, điều kiện làm việc thiếu thốn.

Không mang theo của cải nào đáng giá, ông chỉ đem về hơn một tấn sách tài liệu; trong đó có nhiều tài liệu, cẩm nang về thiết kế vũ khí, loại rất cần thiết cho ngành quân giới non trẻ của nước ta sau này.

Thấu hiểu trước tình cảnh khó khăn của đất nước trong những ngày đầu kháng chiến. Nếu chỉ có vũ khí “thô sơ” như gậy, gộc mã tấu và “vũ khí căn bản” như mìn, lựu đạn dùng thì không thể ngăn chặn, đánh bại thủ đoạn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” với quả đấm mạnh là xe tăng, thiết giáp của địch và không thể diệt được đồn bốt, tập đoàn cứ điểm kiên cố và hiện đại của địch. Do vậy việc chế tạo “vũ khí tối tân” được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt chú trọng.

Ngày 5/12/1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ từ Thái Nguyên được gọi về Hà Nội gặp Bác Hồ, nhận chức vụ Cục trưởng Cục Quân giới Bộ Quốc phòng và cái tên mới hiện nay: Trần Đại Nghĩa.

Với trách nhiệm nặng nề Cục Quân giới đã huy nhiều các bộ, chiến sĩ có trình độ cao để nghiên cứu, chế tạo ra nhiều loại vũ khí để đánh địch. Có 5 công trình mang dấu ấn của cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, trong đó có 3 phát minh tiêu biểu nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp là hoàn chỉnh việc nghiên cứu chế tại súng và đạn bazooka; chế tạo đạn chống tăng AT; chế tạo súng và đạn SKZ.

Ba phát minh trên chính là kỳ tích phi thường của quân đội ta trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp; tiêu diệt được xe tăng, tàu chiến, đánh phá nhiều đồn bót của Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, những công trình nghiên cứu có giá trị phải kể đến là thủy lôi APS, loại thủy lôi gọn, nhẹ để đặc công nước mang vác dễ dàng khi đánh tàu chiến địch và đề tài tìm cách khắc phục các thủ đoạn gây nhiễu của địch trên radar để điều khiển SAM2 bắn trúng mục tiêu B52 của Mỹ.

Những công trình nghiên cứu đã góp phần cho lực lượng ta đánh đập tan tập đoàn cứ điểm của Pháp năm 1954 và chiến thắng Điện Biên phủ trên không năm 1972. Góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Đánh giá về những đóng góp quan trọng của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Trung tướng Nguyễn Châu Thanh nói: “Trần Đại Nghĩa là một trong những người tham gia đặt móng xây nền, góp phần làm nên kỳ tích của kỹ thuật quân sự Việt Nam. Ông còn là vị tướng ở tuổi 35, một trong 11 vị tướng được phong tặng đầu tiên năm 1948, một trong 7 Anh hùng được phong tặng năm 1952; một Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBKH Nhà nước, Viện sĩ hàn lâm khoa học Liên Xô và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác. Nét nổi bật nhất của ông là tấm lòng nhân hậu, khoáng đãng, đầy tình người. Đó cũng là phẩm chất của người Nam Bộ” .

Là người có nhiều năm làm việc dưới sự dìu dắt của Viện sĩ Trần Đại Nghĩa từ năm 1967, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cảm nhận sâu sắc nhất đối với thầy Trần Đại Nghĩa là niềm đam mê học tập, nghiên cứu, sáng tạo.

Được phân công Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã tập trung được nhiều lực lượng khoa học để hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền khoa học công nghệ của đất nước.

Nhớ về người thầy Trần Đại Nghĩa, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Tôi luôn cố gắng xứng đáng là người học trò của thầy Nghĩa, đó là niềm đam mê học tập, học suốt đời, lúc nào cũng thấy hiểu biết của mình là chưa đủ. Sau những buổi họp bàn công việc, có thời gian, thầy lấy tài liệu đọc. Thỉnh thoảng có gì mới thầy đưa cho chúng tôi xem và học tập”.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là người có nhiều công lao to lớn với Tổ quốc, nhưng ông rất khiêm tốn, giản dị, nhân hậu gần gũi mọi người, hết lòng chăm lo thế hệ trẻ; là tấm gương mẫu mực về tinh thần học tập bền bỉ.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa năm nay, trường Trung học Phổ thông Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương của ông; nêu cao quyết tâm tiếp tục truyền dạy cho học sinh của mình những đức tính cao cả của người con của quê hương Tam Bình yêu dấu.

Cố Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã, đang và tiếp tục sẽ là tấm gương lớn cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập và noi theo.

Nguồn VOV.VN