Vui mùa Trung thu. Ảnh: Sơn Ngọc
Tuổi thơ ta gắn với những rặng tre làng, con sông quê, những cánh đồng thơm mùi lúa chín vàng. Đi trên vạt cỏ xanh triền đê ta tận hưởng cái mùi hương thơm mộc mạc của cỏ mật, mùi hương cỏ mật nó lưu luyến mãi như hương tóc thiếu nữ vậy. Ngước mắt lên nhìn bầu trời xanh thẳm, cố định hình một làn nắng như đang dệt tơ trên dòng sông xanh. Nơi ấy in bước tuổi thơ. Nhớ quá những lúc bạn bè cùng trang lứa tụm năm tụm bảy dưới gốc đa, cùng nhau chơi những trò chơi dân gian hết “rồng rắn lên mây” lại chia nhau “trốn tìm”. Tiếng sáo diều vi vu trong ráng chiều quê hòa cùng tiếng cười dòn tan trong sáng hồn nhiên của tuổi thơ. Nơi ấy là mỗi năm đến đêm Rằm tháng tám mấy anh em ngồi quanh bên mẹ, nghe mẹ kể sự tích về Tết Trung thu, về chị Hằng Nga, chú Cuội, là mỗi độ Trung thu về có đèn Ông Sao do chính tay cha làm, hoặc có khi mẹ mua.
Sao nhớ quá! Lòng ta nhớ tuổi thơ trong cái chiều thu mưa rả rích này, mắt ta sao thấy cay cay, lòng sao thấy nghẹn ngào. Ta thầm ước giá như tuổi thơ quay trở lại; được đắm mình trong tiếng hát đồng dao. Nhưng dòng đời vẫn cứ thế trôi đi theo quy luật của đất trời và bởi “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Những gì còn lại của tuổi thơ giờ chỉ còn nằm nguyên vẹn trong kí ức của ta.
Ngày ấy tuổi thơ không có những chiếc bánh Trung thu đầy màu sắc như bây giờ, chỉ là những chiếc bánh-những cái kẹo bình dị. Nhưng thật hạnh phúc, vui đến lạ lùng trong điều bình dị ấy.
Tuổi thơ như mối tình đầu của cuộc đời ta sẽ qua đi nhanh và sẽ để lại nuối tiếc nếu ta vô tình không biết gìn giữ, biết sống đúng nghĩa với hai từ “Tuổi thơ”. Xa rồi, ta chợt nhận ra Tuổi thơ là “mối tình đầu” của đời. Với tôi, tất cả còn nguyên vẹn khi xa “người tình đầu tiên ấy”.
Nguyễn Văn Thanh