Giá thấp vì chưa có thương hiệu…
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lũy kế xuất khẩu gạo từ 1/1 đến 31/8/2013, đạt 4,678 triệu tấn, trị giá FOB 2,005 tỷ USD, trị giá CIF 2,086 tỷ USD.
Giá gạo nguyên liệu ở thị trường nội địa tại ĐBSCL, tính đến 5/9, loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.700 – 6.800 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.350 – 6.450 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.550 – 7.650 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.150 – 7.250 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.900 – 7.000 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
8 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo đã giảm 18,4% về giá trị. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm đã giảm 15,7% về khối lượng và giảm 18,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá xuất khẩu gạo bình quân 7 tháng đầu năm chỉ là 438,49 USD/tấn, giảm 3,2 % so với cùng kỳ năm 2012.
Đến tuần vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 12 tuần. Chẳng hạn, ngày 6/9, giá gạo 5% tấm, FOB tại cảng Sài Gòn xuống mức 365 USD/tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 6 năm nay. Từ đầu tháng 8 tới nay, giá gạo 5% tấm đã giảm hơn 9% xuống mức 400-405 USD/tấn.
Do giá gạo xuất khẩu giảm nên giá thu mua lúa của nông dân cũng giảm. Ông Trần Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho rằng, nông dân sống nhờ cây lúa. Giá lúa, gạo xuống thấp thì ảnh hưởng đến đời sống là đương nhiên.
Lý giải nguyên nhân thực trạng này, ông Phả cho là: Việt Nam xuất khẩu gạo đã trên 20 năm, lượng sản xuất hằng năm có tăng nhưng không có thương hiệu, kể cả với các công ty lớn. Thương hiệu tạo nên giá trị, mình không có thương hiệu tức là không có đảm bảo chất lượng với người tiêu dùng, do đó không bán giá cao được.
Trước thực tế khó khăn của thị trường gạo như đang diễn ra, đặc biệt là giá gạo xuất khẩu xuống thấp, ông Phả cho rằng: Giá gạo chung không xuống, nhưng lấy bình quân, trong đó có gạo chất lượng cao được đảm bảo thương hiệu, còn gạo Việt Nam 5% tấm cũng xuống giá, xêm xêm và thấp hơn so với gạo 25% tấm của Ấn Độ và Pakistan. Tức là, sự đảm bảo chất lượng của mình chưa có. Cho nên, khi gặp thị trường dễ tính, không đòi hỏi chất lượng gạo cao ta tiêu thụ tốt, nhưng năm nay các thị trường đó gặp khó khăn. Họ đã tự tăng lượng sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực.
Trong khi đó, các thị trường khó tính thì do gạo Việt không có thương hiệu, không thể cạnh tranh được với các hãng có thương hiệu, có sự đảm bảo về chất lượng.
Một nguyên nhân quan trọng nữa, theo ông Phả, khó năm nay của giá gạo là hậu quả từ nhiều năm trước đây. Vì dù Nhà nước khuyến khích xây dựng thương hiệu nhưng các doanh nghiệp làm ăn ở thị trường chất lượng thấp dễ hơn nên họ không làm thương hiệu. Bây giờ khi thị trường khó khăn thì gây ra khó chung.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết: Hạn chế lớn nhất của sản xuất nông nghiệp thời gian qua là chúng ta chạy đua theo sản lượng, chưa tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Đơn cử, từ chỗ chúng ta sản xuất ra 2 triệu tấn, đến nay lên tới hơn 40 triệu tấn/năm. Xuất khẩu từ chỗ không có gì, nay hơn 7 triệu tấn/năm. Nhưng nhìn lại số lượng rất lớn, mà chất lượng sản phẩm gạo không tăng. So với chất lượng gạo các nước khác thì chênh lệch giá của ta thấp hơn nhiều.
Theo ông Hồng, thực tế này xuất phát từ 2 yếu tố: Nông dân sản xuất theo truyền thống cả về giống và quy trình chạy theo sản lượng; còn Nhà nước chưa quyết liệt định hướng sản xuất cho người dân, chưa đầu tư nghiên cứu thực sự tạo ra giống tốt để nâng chất lượng gạo. Giá gạo của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc thị trường xuất khẩu. Nhưng đến nay, chưa có nhãn hiệu, thương hiệu gạo quốc gia.
“Vấn đề là chúng ta đang đi chệch hướng, không chạy theo sản lượng nữa, không dừng ở giá 450 USD/tấn nữa, mà phải nâng lên 600-700 USD/tấn thì hiệu quả sản xuất mới thiết thực cho người dân”- ông Hồng nhấn mạnh.
Phải nâng chất lượng gạo của quốc gia
Về lối thoát cho giá gạo, ông Hồng cho rằng, cái gốc vấn đề là phải nâng cao chất lượng gạo của quốc gia nói chung. Từng địa phương, từng hộ gia đình sản xuất phải góp sức nâng chất gạo. Việc này Nhà nước phải có giải pháp, nghiên cứu ra giống tốt, có quy trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch để giữ cho hạt gạo xuất khẩu cạnh tranh được với giá cao.
Từng địa phương, từng hộ gia đình sản xuất phải góp sức nâng chất gạo (Ảnh: vinagrinews)
“Còn nếu cứ chạy theo sản lượng, sản lượng càng nhiều thì cung hơn cầu, giá sẽ đi xuống, chất lượng không cạnh tranh được thì mình sẽ luôn lẹt đẹt đi sau thiên hạ”- ông Hồng khẳng định.
Ông Trần Ngọc Phả cũng khẳng định: Muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay, Nhà nước cần có chủ trương rõ, rồi chọn một số sản phẩm chủ lực làm sản phẩm quốc gia; có chương trình kiểm tra chất lượng rồi xây dựng thương hiệu để tăng giá trị.
Từ thực tế tại An Giang, ông Phả cũng cho biết: Những doanh nghiệp có chiến lược xây dựng thương hiệu thì họ mới cần ký hợp đồng bán cho thị trường mục tiêu và phải đảm bảo chất lượng, số lượng ổn định. Còn nếu không, họ sẽ bán trôi nổi, mua trôi nổi. Trong khi đó, với thị trường khó tính, đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao thì yêu cầu về dư lượng hóa chất trên nông sản rất nghiêm ngặt. Nếu mua trôi nổi thì không đảm bảo được. Do đó, mua bán gạo phải có ký hợp đồng, có các điều khoản cụ thể để kiểm soát.
Nhấn mạnh giải pháp về quy trình, quy mô sản xuất, ông Nguyễn Xuân Hồng lưu ý: Vì gạo làm ra chỉ có 2 nơi tiêu thụ là thị trường truyền thống không đòi hỏi cao về chất lượng và thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Người sản xuất phải biết mình bán ra thị trường nào để sản xuất cho phù hợp, và sẽ có mức giá tương ứng với chất lượng.
Lấy ví dụ tại Long An, ông Hồng chứng minh: Cùng là gạo, có doanh nghiệp chỉ bán được 400 USD/tấn, có doanh nghiệp lại bán được hơn 700 USD/tấn. Giá khác nhau vì đã khác nhau ở quy trình chế biến và chất lượng gạo thành phẩm. Đó là trường hợp một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Long An, họ xuất khẩu gạo vào hệ thống siêu thị tại Mỹ, Nhật, châu Âu… giá luôn từ 700 USD/tấn trở lên. Còn lại đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo nguyên liệu ra thị trường lớn nhưng giá không tăng, không cao.
Cho nên, mấu chốt của giá gạo, theo ông Hồng, “phải nâng chất lượng sản phẩm lên. Muốn thế, phải có sự đồng bộ giữa chính sách của Nhà nước và sự thực hiện của người dân, doanh nghiệp”.
Nguồn vov.vn