Khai mạc Hội nghị về công nhận Phòng thí nghiệm APLAC

Sáng 9/9, tại Đà Nẵng, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn công nhận phòng thí nghiệm châu Á – Thái Bình Dương (APLAC) 2013 với sự tham dự của hơn 130 đại biểu đến từ 26 quốc gia và thể chế kinh tế thành viên.

 
 Hội nghị thường niên Diễn đàn công nhận phòng thí nghiệm
châu Á – Thái Bình Dương 2013. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Hội nghị sẽ kéo dài từ ngày 7 đến hết ngày 13/9. Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các nước thành viên sẽ đánh giá lại hoạt động của APLAC trong năm 2012; đồng thời, xem xét lại chính sách liên quan đến hoạt động đánh giá – công nhận, xem xét các báo cáo của các đoàn đánh giá độc lập về các đơn vị công nhận của các nước thành viên nhằm đảm bảo các đơn vị chứng nhận phải có trình độ tương đương nhau.

Hoạt động công nhận bao gồm 3 mảng: đánh giá năng lực cho phòng thí nghiệm, đánh giá năng lực cho các tổ chức giám định, đánh giá năng lực cho các tổ chức chứng nhận.

Thông qua hoạt động công nhận sẽ làm giảm rào cản thương mại giữa các quốc gia, các nhóm quốc gia, hướng tới một tiêu chuẩn, một chứng chỉ chấp nhận toàn cầu.

APLAC là cơ quan điều hành và phối hợp giữa các tổ chức công nhận của các quốc gia trong khu vực, đóng vai trò thừa nhận sự hợp chuẩn của các phòng thí nghiệm, tổ chức giám định và các nhà sản xuất chất chuẩn.

Thông qua APLAC, các nước thành viên có thể trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác giữa vác tổ chức quan tâm tới việc công nhận các phòng thí nghiệm và tổ chức giám định cùng các hoạt động liên quan; đồng thời nâng cao tiêu chuẩn về dịch vụ công nhận do các thành viên cung cấp. Qua đó sẽ xây dựng và duy trì lòng tin lẫn nhau đối với năng lực kỹ thuật của các thành viên chính thức, hướng tới sự phát triển hơn nữa Thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (MRA).

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải cho biết, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao và tạo điều kiện phát triển các hoạt động công nhận trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. APLAC tạo môi trường, điều kiện cho việc hội nhập quốc tế của các nước thành viên, cũng như củng cố, hoàn thiện hệ thống công nhận với phương châm thống nhất hóa, chuyên nghiệp hóa trong khuôn khổ MRA nhằm hỗ trợ các nền kinh tế phát triển, tạo điều kiện cho thương mại khu vực cũng như quốc tế.

Hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn có mối quan hệ chặt chẽ với APLAC và các thành viên. Hoạt động công nhận tại Việt Nam đã đạt được những bước tiến rất quan trọng về chất và có trình độ ngày càng tiệm cận với trình độ công nhận châu Á – Thái Bình Dương.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 700 đơn vị hoạt động công nhận gồm các phòng thí nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận, phòng xét nghiệm y tế. Sự phát triển hoạt động công nhận tại Việt Nam sẽ giúp rút ngắn ngắn thời gian, kinh phí và những rủi ro trong kinh doanh cho sản phẩm Việt khi xuất khẩu.

Nguồn Chinhphu.vn