Hội thi đã quy tụ 8 đoàn nghệ thuật dân gian dân tộc Raglai với gần 400 nghệ nhân, diễn viên đến từ 8 đơn vị trong và ngoài tỉnh trong đó có 2 đoàn thuộc tỉnh bạn là Khánh Hòa và Bình Thuận. 31 tiết mục văn nghệ dân gian gồm hát dân ca, hát ru với những hình thức đơn ca, song ca đối đáp, diễn tấu nhạc cụ và trích đoạn các lễ hội truyền thống của người Raglai đã đem đến cho người xem một bức tranh tổng thể nhiều gam màu nghệ thuật dân gian đặc sắc và hấp dẫn. Đặc biệt, 14 tiết mục diễn tấu nhạc cụ độc tấu và hòa tấu với những nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo của người Raglai như Mã la, Khèn bầu, đàn Chapi, Cadec… Trong các trích đoạn lễ hội, hầu hết đều có sử dụng nhạc cụ đệm phục vụ lễ ngoài các phần minh họa khác như múa lễ, hát lễ…cho thấy vai trò quan trọng của âm nhạc trong hoạt động văn nghệ dân gian cũng như đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Raglai.
Nghệ nhân Chamaléa Âu biểu diễn đàn chapi tại lễ hội. Ảnh: Sơn Ngọc
Các tiết mục tham gia hội thi đã thể hiện được nét văn hóa đặc sắc riêng của người Raglai, đa phần được phục dựng từ dân gian nguyên gốc, trích đoạn các lễ hội truyền thống vẫn được bà con lưu giữ trong cộng đồng cho đến ngày nay, thể hiện ý thức bảo tồn vốn di sản văn hóa dân tộc một cách rõ nét.
Hội thi có sự góp mặt đông đảo của lực lượng trẻ thanh-thiếu niên, trình diễn một cách thuần thục, điêu luyện, không kém gì các nghệ nhân lớn tuổi… cho thấy tính kế thừa, trao truyền nối tiếp giữa các thế hệ đã được các địa phương thực hiện rất tốt. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Phần trích đoạn lễ hội được thể hiện gần như bản gốc, nói lên phong tục tập quán, tâm hồn, tình cảm người Raglai nhớ về cha mẹ, ông bà, tổ tiên và các vị thần. Hòa tấu mã la có sự tham gia phụ họa của một số nhạc cụ khác như trống, khèn bầu… đảm bảo cơ bản nghi thức tấu mã la của các địa phương Raglai Nam và Raglai Bắc. Các nghệ nhân Raglai huyện Thuận Nam đã mang đến 2 bộ mã la 4 chiếc hay đoàn Bác Ái với 2 bộ 7 chiếc, nam-nữ tấu chung rất sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống. Những cô gái Raglai Ninh Hải cũng tạo được nét đặc sắc riêng với bộ mã la 5 chiếc. Tiết mục mã la đôi (đối đáp) rất sinh động của đoàn Bình Thuận và Ninh Sơn (Ninh Thuận) thể hiện đối đáp âm điệu giữa hai mã la của 2 nghệ nhân biểu diễn cũng tạo được dấu ấn đặc biệt. Tiết mục chiêng ba (trong trích đoạn lễ hội Ăn mừng lúa mới) là một nét riêng của Ninh Sơn vẫn được bảo lưu khá tốt cho đến ngày nay.
Những làn điệu dân ca hát Ma Nhi, Hát kể, Hát hai Pa-tâu-ana, hát ru giản dị và tự nhiên, kể về cuộc sống đời thường của người Raglai quanh năm lam lũ với cái nương, cái rẫy, những lời dặn dò khuyên bảo về nuôi dạy con cái, những lời hát lễ dâng lên thần thánh để cầu xin sự yên bình cho gia đình thôn xóm, hay ôn lại truyền thống tốt đẹp của cha ông là những giá trị văn hóa cần được gìn giữ cho muôn đời sau.
Trong trình diễn trang phục, từ hai màu cơ bản trắng và đen của trang phục nữ Raglai, các nghệ nhân đã phát triển thành các cặp đôi màu sắc khác mà vẫn đảm bảo tính nguyên tắc âm – dương hài hòa, đảm bảo tính truyền thống có cách tân, cải tiến đẹp hơn, sinh động hơn.
24 giải thưởng cho phần trình diễn văn nghệ dân gian, 8 giải thưởng cho phần trình diễn trang phục dân tộc mà Ban tổ chức đã trao thể hiện sự tôn vinh các nghệ nhận, ghi nhận thành quả của các đơn vị trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Nguyễn Thị Thu