Ăn chay – Nét văn hóa ẩm thực

(NTO) Sắp tới Rằm tháng bảy, ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Dạo qua các chợ trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm có thể nghe chuyện của một số bà nội trợ nói về chuẩn bị thực đơn cho ngày ăn chay này trở nên rôm rả hơn.

Chưa có số liệu thống kê chính xác số người ăn chay tại tỉnh ta, nhưng được biết xu hướng “ăn chay” đang ngày một nhiều, nhất là trong giới phụ nữ và người cao tuổi. Anh Lê Thanh Hải, phường Bảo An, chia sẻ: Mới đầu chỉ có vợ anh ăn chay. Sau đó, thấy các món chay vợ nấu đẹp mắt nên anh và 2 con cùng ăn thử và cảm thấy rất ngon miệng. Bây giờ thì cả gia đình anh cùng ăn chay vào hai ngày mùng một và rằm hàng tháng. Sau những lần chuyện trò chia sẻ, nhiều người hàng xóm và bạn bè cũng thực hiện ăn chay giống gia đình vợ chồng anh.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Tại các chợ trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm rất sẵn các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật để chế biến các món chay như: các loại rau, củ, quả, các loại nấm, măng, đậu ván, bột mì... Ngoài ra, một số nguyên liệu cao cấp hơn như rong biển, tôm bóc nõn chay, mề chay... có thể dễ dàng tìm thấy ở các đại lý lớn hoặc siêu thị trong thành phố. Từ các nguyên liệu này, các bà nội trợ có thể chế biến ra được rất nhiều món ngon, với những tên gọi giả đồ ăn “mặn” khác nhau như: thịt kho tàu, giò lụa, đùi gà rán, nem rán... hay giản dị hơn với các món rau xào thập cẩm, canh nấm đậu, lẩu chay... Cách chế biến các món chay thường được các chị em tự khám phá hoặc học hỏi kinh nghiệm nhau trong mỗi lần đi chợ.

Việc xen kẽ một vài bữa thuần chay mỗi tuần hoặc mỗi tháng không chỉ làm phong phú thực đơn của gia đình mà còn làm "thanh tịnh" tâm hồn.