Tiết mục chế biến nước chấm bánh tráng tôi thường tự làm. Vì là người miền Bắc nên tôi thích nước mắm hơi chua thay vì hơi mặn. Chua thì có nước me. Bao giờ tôi cũng cho một thìa nhỏ mắm ruốc, một thìa tương ớt và hai thìa nước me. Hầu như lần nào pha nước chấm xong và nếm thử, tôi vẫn lấy làm tâm đắc với công thức nước chấm này.
Cô bán hàng với món bánh tráng khoái khẩu của tôi.
Nhưng ở quán nhỏ này, tay trái cầm chiếc bánh tráng, tay phải cầm cây cọ nhỏ, cô chủ quết chút mắn ruốc màu mận chín, chút tương ớt đỏ tươi lên chiếc bánh như một người họa sĩ đang múa cọ trước bức vẽ của mình. “Người họa sĩ” ấy lại tô một chút màu trắng của rau bắp cải, điểm xuyết những chấm xanh của hành hoa thái nhỏ trên nền bức tranh bánh tráng ấy. Màu xen màu, sắc chen sắc làm tôi “no” cả mắt. “Cháu đói bụng quá cô ơi, cô làm nhanh giúp cháu với”... Rõ ràng là cứ nhìn tới đó, tôi lại kêu đói bụng để cô làm nhanh hơn. Than củi hồng rực lan tỏa, nồng nhiệt chào đón chiếc bánh tráng đặt bên trên. Cô quết thêm một lớp mỡ nữa lên chiếc bánh tráng. Mỡ thì bóng loáng hấp dẫn. Để một lúc, cô lại đập thêm vào mấy quả trứng cút nhỏ. Mùi thơm của hành hoa, trứng, quyện với mỡ làm nức lòng mà tôi cũng không biết dùng từ nào để tả. Cô nhanh tay đảo hai bên cho bánh tráng giòn đều và không bị cháy. Tôi, lúc này, thì như kẻ hành khất bị bỏ đói, cầm cái đĩa giơ lên trước mặt, chờ đợi cô thả chiếc bánh vào đĩa, trước cả khi cô nướng xong...
Vậy là chiếc bánh đã lên đĩa. Màu sắc đẹp mắt, hương vị thì tuyệt vời. Không phải nói thêm thì mọi người cũng biết tôi tận hưởng chiếc bánh tráng trong sự háo hức và thích thú thế nào. Chỉ với mấy nghìn tiền lẻ, có lẽ phải nói rằng khó có thể tìm được món ăn hàng nào ngon miệng, tinh tế mà giá lại “mềm” như Bánh tráng Ninh Thuận quê ta.
Nguyễn Thị Tuyến