Tuy nhiên, trong y học cổ truyền, trạng thái này đã được người xưa nghiên cứu và tích lũy nhiều kinh nghiệm, trong đó có việc sử dụng các món ăn - bài thuốc, nhằm mục đích hòa trung an vị, giáng nghịch, chỉ nôn.
Bài 1: Nước mía 100ml, gừng tươi 10g. Gừng rửa sạch, giã nát, cho vài giọt vào cốc nước mía, quấy đều, hâm nóng rồi uống. Công dụng: Sinh tân bổ dịch, hòa vị cầm nôn. Dùng để trị trường hợp phụ nữ mang thai nôn mửa, miệng đắng khát nước hoặc nôn khan.
Gừng tươi, vị thuốc chữa ốm nghén hiệu quả
Bài 2: Cá diếc 1 con, sa nhân 3g, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Cá diếc đánh vảy, bỏ ruột và mang, rửa sạch, cho sa nhân vào trong bụng cá, đun nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Lý khí ôn vị, tiêu thũng cầm nôn. Dùng cho phụ nữ nôn mửa, tinh thần mệt mỏi, tay chân rã rời, có thể bị phù nhẹ hai chi dưới.
Bài 3: Hoài sơn 100g, gừng tươi 5g, thịt lợn nạc 50g. Hoài sơn và thịt lợn thái miếng, gừng đập dập, tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: Kỳ tiện hòa vị, ôn trung cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, chán ăn, toàn thân mệt mỏi, đại tiện lỏng loãng.
Bài 4: Phật thủ 10g, gừng tươi 2 lát, đường cát vừa đủ. Tất cả hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì đùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Sơ can hòa vị, cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, ngực bụng đầy tức khó chịu, tinh thần dễ căng thẳng, cáu gắt.
Bài 5: Lê 1 quả, đinh hương 5 cái. Lê rửa sạch, khoét một lỗ rồi nhét đinh hương vào trong, nút kín, cho nước vào đun chín, mỗi ngày ăn 2 cái đinh hương. Công dụng: Lý khí, cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, tức ngực khó chịu.
Ngoài ra, y học cổ truyền khuyên phụ nữ “ốm nghén” nên ăn uống cân bằng và thanh đạm, tránh ăn quá nhiều đồ bổ béo, khó tiêu. Nếu bị táo bón, mỗi sáng uống một chén mật ong để bảo đảm đại tiện được tốt. Khi dùng các món ăn - bài thuốc nói trên cũng phải hợp lý để thu được hiệu quả tốt nhất. Trước khi uống nên ăn một chút cháo loãng có gừng hoặc vài giọt nước gừng. Nếu cảm giác nóng trong dạ dày thì có thể uống trước một ít nước đun sôi để nguội. Khi dùng thuốc nên uống từng thìa, nếu uống vào không nôn cũng nên chờ một lát rồi mới uống tiếp. Trường hợp nghén nặng nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để nhận được những lời khuyên hợp lý của thầy thuốc.
Nguồn danviet.vn