Gìn giữ, phát huy giá trị tổ ấm gia đình Việt Nam

Mỗi người Việt Nam đều có 3 Tổ: Tổ quốc – đất nước, Tổ tiên – dòng họ và Tổ ấm – gia đình. Mỗi gia đình, mỗi người Việt Nam cần nêu cao ý thức để cùng vun đúc và gìn giữ 3 trụ cột vật chất - văn hóa - tâm linh quan trọng của dân tộc và con người Việt Nam.

 
 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, gia đình lành mạnh,
xã hội mới bền vững. Ảnh: VGP/Từ Lương

Ngày 28/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và 146 gia đình văn hóa tiêu biểu Hà Nội đã tham dự mít tinh Ngày gia đình Việt Nam với chủ đề: Thiêng liêng tổ ấm gia đình.

Ngày gia đình Việt Nam được tổ chức trong chuỗi các sự kiện của Năm gia đình Việt Nam 2013 nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam để củng cố sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình, tạo ý thức cộng đồng cho các thành viên về trách nhiệm nuôi dưỡng, giữ gìn tổ ấm của mình; ngăn ngừa tối đa các yếu tố tiêu cực, đe dọa sự bền vững hạnh phúc gia đình.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định gia đình là tế bào xã hội, gia đình có lành mạnh thì xã hội mới phát triển bền vững. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, gia đình Việt Nam tiếp tục là nơi tái tạo ra con người Việt Nam, tái tạo ra ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, nơi gìn giữ và phát triển những giá trị chuẩn mực cao đẹp của dân tộc.

 
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo đại biểu
tham dự mít tinh Ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: VGP/Từ Lương

Ngày 28/6 hàng năm là dịp để các gia đình Việt Nam giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ tổ ấm của mình hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình và đất nước.

Đây là dịp để các thành viên trong gia đình quan tâm đến nhau nhiều hơn, xã hội quan tâm đến người cao tuổi, người cô đơn, trẻ em nhiều hơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn từ nay đến 2020; đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa; chú trọng công tác nghiên cứu về gia đình, trên cơ sở xây dựng các chính sách, giải pháp thật sự phù hợp.

Những năm gần đây, do tác động mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa và cuộc sống hiện đại, cấu trúc của gia đình Việt Nam có những vận động, đổi thay để thích ứng, đồng thời cũng nảy sinh một số vấn đề liên quan được xã hội nhìn nhận dưới nhiều góc độ còn khác nhau về li dị, li thân, hôn nhân đồng tính, bà mẹ đơn thân, sống thử, hôn nhân với người nước ngoài… đã gia tăng các biểu hiện tiêu cực, nguy cơ làm suy yếu gia đình như: bạo lực gia đình, mâu thuẫn về lối sống giữa các thế hệ, mai một các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam.
Nguồn Chinhphu.vn