Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá ở tỉnh ta

(NTO) Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh ta đã tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về chủ nghĩa Mac-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về lòng yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và ý chí độc lập, tự do. Bên cạnh đó công tác xây dựng, phát triển và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng, đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

 
Du khách tham quan Khu di tích Tháp Po Klong Garai . Ảnh: Văn Miên

Với dân số gần 600 ngàn người, gồm 35 dân tộc anh em sinh sống, tỉnh ta là miền đất giàu đẹp và phong phú về lịch sử-văn hoá, gắn kết giữa đồng bào Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó nét nổi bật là nền văn hoá truyền thống của dân tộc Chăm và Raglai. Từ cuối tháng 8-1998, ngay sau khi có NQ Trung ương 5 (khoá VIII), Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, thực hiện và tiếp đó để cụ thể hoá nội dung NQ, đã ban hành các Chương trình hành động. Trong 15 năm thực hiện NQ, các cấp, các ngành đã chú trọng xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; triển khai sâu rộng việc xây dựng các thiết chế văn hoá và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Đặc biệt Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch phát triển và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống nhằm gắn kết cộng đồng các dân tộc, xem đây là vấn đề cốt lõi trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Theo đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng Làng gốm Bàu Trúc, Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng quần thể Quảng trường-Tượng đài-Nhà bảo tàng, Trung tâm Văn hoá Chăm, Khu Du lịch Văn hóa dưới chân Tháp Po Klong Garai…

Qua 15 năm thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hoá, hiện nay tỉnh ta có 233 di tích được thống kê, phân loại gồm 46 đình, 11 đền, 85 chùa và 91 di tích khác, trong đó có 27 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đồng chí Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Công tác sưu tầm hiện vật đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 1992, khi mới thành lập, Bảo tàng tỉnh chỉ có 309 hiện vật, đến nay qua sưu tầm, đã đưa về bảo quản được hơn 6.000 hiện vật thể hiện truyền thống văn hoá và lịch sử cách mạng của đồng bào 6 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Raglai, K’ho, Chu ru như: Trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt gia đình và công cụ lao động, vũ khí thô sơ và một số tư liệu quý minh chứng cho vai trò và vị trí của Đảng bộ, nhân dân tỉnh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngành chức năng đã thực hiện công tác điều tra, khảo sát và kiểm kê 165 nhà cổ của các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh; đã tổ chức thực hiện công tác gắn biển di tích, tập trung vào các di tích lịch sử cách mạng và di tích văn hoá. Nhà Bảo tàng tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm đẩy mạnh công tác khảo sát điền dã, sưu tập, lập hồ sơ khoa học; đồng thời phối hợp với Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số và Hội Văn nghệ Dân gian xây dựng, thực hiện các đề tài, công trình khoa học nghiên cứu về văn hoá có giá trị thực tiễn như: Đề tài văn hoá phi vật thể “Lễ hội bỏ mã của dân tộc Raglai”, “Nghề gốm Bàu Trúc”, ‘Lễ hoả táng của người Chăm theo đạo Bà-la-môn”, “Địa chí Ninh Thuận”, ‘Lễ cầu ngư người Kinh”…Đi đôi với việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hoá các dân tộc trong tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã chú trọng đến việc giới thiệu những di sản văn hoá riêng của địa phương cho nhân dân cả nước và thế giới, gắn với việc phát triển du lịch.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà NQ Trung ương 5 (khoá VIII) đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể xác định rõ phương hướng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Đặc biệt đối với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chịu trách nhiệm chủ trì triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh giao. Ngoài việc tiếp tục kiểm kê di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để lập hồ sơ trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia, ngành tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch kinh phí trùng tu, tôn tạo một số di tích cấp tỉnh đang xuống cấp trầm trọng cần bảo vệ cấp bách. Đặc biệt là đầu tư cho Bảo tàng tỉnh triển khai trưng bày, triển lãm kho tàng hiện vật di sản văn hoá các dân tộc trong tỉnh, xây dựng nơi đây trở thành một điểm tham quan hấp dẫn cho khách du lịch và để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.