Kinh nghiệm học thi các môn khối C hiệu quả

(NTO) Trong kỳ thi ĐH-CĐ sắp tới, đối với các sĩ tử các môn học thuộc như Văn, Sử, Địa thường là những môn học khó học và khó đạt điểm cao. Vì thế, để có thể ôn thi và có được kết quả tốt, xin chia sẻ một số kinh nghiệm học thi các môn thuộc khối Khoa học xã hội như sau:

1. Có phương pháp ôn thi phù hợp với đặc thù từng môn học

Đối với các môn khối C, khó nhất vẫn là việc nắm vững và học thuộc kiến thức để vận dụng giải quyết các câu hỏi trong đề thi. Tuy nhiên, việc học thi đối với các môn học này lại có những lưu ý riêng:

Trước hết, đối với môn Văn, trong cấu trúc đề thi chia làm 3 phần (phần câu hỏi tái hiện kiến thức, phần nghị luận xã hội và phần nghị luận văn học). Đối với phần kiểm tra kiến thức, các thí sinh cần nắm vững kiến thức về các tác giả chính (bao gồm cả tác giả Việt Nam và nước ngoài), hoàn cảnh ra đời tác phẩm, đọc kỹ tác phẩm để nắm cốt truyện, cảm hứng, cấu tứ của tác phẩm; nắm vững các chi tiết về ngoại hình, nội tâm, cử chỉ, hành động, …của nhân vật; Với phần nghị luận xã hội: đề thường ra theo hướng mở, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức đời sống xã hội để bàn luận, giải quyết một vấn đề hay tình huống nào đó trong cuộc sống. Đồng thời giúp các em được thể hiện quan điểm, suy nghĩ riêng của bản thân trong bài làm. Cấu trúc đề thường bám sát vào 2 dạng chính: nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Để đạt điểm cao ngoài kiến thức về môn học, chúng ta cần có một lượng kiến thức xã hội, đặc biệt là những vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội nổi bật đã và đang diễn ra trong cuộc sống. Muốn có cách làm bài đúng và hay, thí sinh cần nắm vẵng cấu trúc các dạng đề nghị luận, bên cạnh đó cần đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận, tránh viết lan man, dài dòng, biết chọn lọc dẫn chứng phù hợp. Với phần nghị luận văn học: bên cạnh việc nắm vững cốt truyện, nhân vật, tình tiết,…(trong văn xuôi) hay cấu tứ, mạch cảm xúc và nội dung, bút pháp nghệ thuật,… của từng đoạn, bài (đối với thơ), thí sinh cần lập dàn ý trước khi bắt tay vào làm bài. Nếu phân tích hay bình luận về một đoạn thơ hay bài thơ thì chúng ta phải đảm bảo 2 yếu tố: nội dung và nghệ thuật song hành. Nếu là phân tích nhân vật thì ta phải đi sâu vào tính cách, tâm lý, nghệ thuật khắc họa nhân vật,…

Thứ hai, đối với môn lịch sử, đây là môn học đòi hỏi các em phải có một tư duy lôgíc và phương pháp khoa học để làm bài đạt hiệu quả cao. Khi ôn tập xong mỗi chương, mỗi giai đoạn lịch sử, các em cần có một bảng tóm tắt các sự kiện lịch sử gắn với từng mốc thời gian và nêu nội dung, ý nghĩa đi kèm. Việc ghi nhớ các mốc thời gian và các sự kiện ở môn Lịch sử lâu nay được coi là một trong những vấn đề khó khăn của nhiều thí sinh. Vì vậy, trong quá trình ôn thi, mỗi thí sinh cần tùy vào khả năng và hoàn cảnh để ghi nhớ sao cho hiệu quả. Chẳng hạn, để nhớ được lâu các sự kiện và các mốc thời gian trong một bài học ta có thể ghi ra một tờ giấy hoặc sổ tay để khi cần thiết ta có thể tranh thủ học. Khi học ôn, thí sinh cần sử dụng kỹ năng tái hiện và xác lập mối quan hệ giữa bài đang học với kiến thức của các bài đã học để không rơi vào việc quên kiến thức cũ với kiến thức mới.

Thứ ba, đối với môn Địa lý, đòi hỏi thí sinh vừa có kỹ năng ghi nhớ vừa phải có kỹ năng xử lý số liệu để vẽ đồ thị. Với phần vận dụng kiến thức để nêu đặc điểm, phân tích hay so sánh một yếu tố hay một vùng kinh tế,… thí sinh cần nắm vững kiến thức ở dạng ý chính rồi diễn giải. Trong quá trình học, thí sinh cần dựa vào sách giáo khoa để xác lập các mối quan hệ ở từng vùng, miền. Ví dụ: với khu vực Tây Nguyên những nơi nào có nhiều khoáng sản, nơi nào tập trung nhiều cây trồng, đó là nhứng loại khoáng sản gì, cây trồng gì,... so sánh khu vực Tây Nguyên với khu vực khác như Tây Bắc, Đông Bắc,… Đối với phần kỹ năng vẽ biểu đồ, thí sinh cần nắm các dạng biểu đồ, biết cách xử lý số liệu nếu cần. Sau khi vẽ biểu đồ cần vận dụng kiến thức để rút ra nhận xét cùng với những số liệu đã cho.

2. Có kỹ năng và phương pháp ôn thi hợp lý

Việc học thuộc và nắm vững kiến thức là điều rất quan trong với các môn Khoa học xã hội, vì thế, kỹ năng và phương pháp ôn thi cũng hết sức quan trọng. Trong quá trình học, thí sinh cần lập dàn ý, vạch ra những ý chính để nắm kiến thức và sử dụng phương pháp ghi nhớ hiệu quả như: đọc nhẩm, ghi nhớ thầm, vẽ sơ đồ tia hoặc sử dụng bản đồ tư duy để khắc sâu kiến thức bài học. Khi làm bài cần chú ý đến vấn đề trình bày, triển khai bài làm sao cho bám sát đề, mạch lạc và không lặp ý. Bên cạnh đó, cần phân phối thời gian làm bài sao cho hợp lý.