Thầy Lê Trung Tín, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông (Hà Nội) có nhiều năm giảng dạy bộ môn Toán, cùng chia sẻ cách ôn tập và làm bài thi môn học này:
Học sinh tự tin sau môn thi tốt nghiệp năm 2012. Ảnh: Tuấn Anh
Để hoàn thành tốt bài thi, các em phải chú ý đến các tiêu chí: (3Đ): Đúng – Đủ - Đẹp trong một bài thi. Đó là kết quả đúng, đủ ý, trình bày đẹp. Thang điểm của bài thi thường được đặt bên cạnh đáp số của mỗi phép toán. Nếu học sinh (HS) tính toán sai hoặc viết nhầm thì mất rất nhiều điểm. Nếu HS viết sai ở phần nào thì sẽ mất điểm toàn bộ phần sau đó nếu có liên quan với nhau về nội dung. Do đó trước hết phải viết đúng các công thức toán, viết đúng các kí hiệu toán, rút gọn đúng các biểu thức và kết quả đúng ở tất cả các phép toán. Nếu áp dụng sai các công thức hay nhầm các ký hiệu chắc chắc sẽ dẫn tới kết quả sai.
Yêu cầu thứ hai là phải trình bày đủ ý; các bài toán thi tốt nghiệp đều bám sát nội dung sách giáo khoa và đều có quy trình giải, vì vậy HS phải trình bày đầy đủ các ý trong quy trình giải một bài toán như: Quy trình khảo sát và vẽ đồ thị hàm số, quy trình tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số trên một tập hợp, quy trình tính tích phân bằng phương pháp đổi biến... Thang điểm của bài thi sẽ căn cứ vào các bước trong quy trình giải toán, nếu HS trình bày đủ các ý thì sẽ không bị mất điểm. Ngoài ra, HS cần phải có đáp số hoặc kết luận trong lời giải mỗi bài toán vì biểu điểm thường có 0,25 điểm ở phần kết luận, đáp số.
Cuối cùng để đạt điểm cao, bài phải trình bày đẹp, diễn đạt tốt, các ý rõ ràng. Thang điểm của bài thi thường có sau mỗi suy luận logic hoặc sau mỗi phép biến đổi, tính giá trị biểu thức... Vì vậy, sau mỗi suy luận logic hoặc biến đổi, tính toán biểu thức… HS nên xuống dòng, chia ý rõ ràng. Tránh tình trạng viết lời giải một bài toán như một đoạn văn, khi đó nếu HS sai ở dòng cuối cùng thì có thể bị mất rất nhiều điểm. Trong quá trình làm bài các em nên có thói quen đặt điều kiện và kiểm tra điều kiện: Khi viết mỗi biểu thức toán học, nếu gặp biểu thức chứa ẩn ở mẫu, biểu thức chứa căn bậc hai, biểu thức logarit, HS cần có thói quen đặt điều kiện để các biểu thức có nghĩa. Trước khi kết luận đáp số bài toán, học sinh cần có thói quen kiểm tra lại điều kiện. Nên làm bài dễ để củng cố tinh thần. Bài khảo sát và vẽ đồ thị hàm số là bài có sẵn quy trình giải và luôn xuất hiện trong các kì thi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể làm ngay bài khảo sát trước. Với môn Toán, để đạt điểm tối đa HS cần luyện cho mình các kỹ năng làm bài khoa học rõ ràng và ngắn gọn.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại