Núi Phú Sĩ nằm trên địa phận hai tỉnh Yamanasi (Yamanashi) và Sidưôca (Shizuoka), là ngọn núi cao nhất Nhật Bản (3.776 m) và là biểu tượng linh thiêng của "đất nước mặt trời mọc". Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, núi Phú Sĩ còn đi vào thi ca, hội họa và có ảnh hưởng đối với hầu hết các lĩnh vực của đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nhật Bản. Phú Sĩ còn được cho là ngọn núi “nuôi dưỡng văn hóa nghệ thuật Nhật Bản”.
Như vậy, cùng với hai di sản di sản thế giới gồm di sản văn hoá Hiraizumi, tỉnh Ioatê (Iwate), và di sản thiên nhiên quần đảo Ô gaxaoara (Ogasawara) được công nhận hồi năm 2011, Nhật Bản tính đến nay đã có tổng cộng 17 di sản thế giới.
Sau vùng núi Thiên Sơn Tân Cương ở Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc lại có thêm một di sản văn hóa thế giới nữa, đó là hệ thống ruộng bậc thang nằm ỏ huyện Nguyên Dương, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc. UNESCO ca ngợi đây là kỳ quan của nền văn minh trồng trọt. Do người Hani xây dựng tại khu vực hẻo lánh ở huyện Nguyên Dương cách đây hơn 1.300 năm, hệ thống ruộng bậc thang này có quy mô rộng lớn, nằm trên các sườn núi của dải Ailao cao 2.500m. Tại đây, thời tiết lạnh nên chỉ trồng được một vụ lúa/năm. Sau khi thu hoạch vào mùa thu, lượng nước cung ứng cho cánh đồng được lưu giữ trên đồi cao ở các khu rừng và chảy xuống cánh đồng qua hệ thống kênh rạch nhằm phục vụ cho việc tưới tiêu.
Một địa danh khác được đưa vào danh sách di sản, là thị trấn cổ Agađét (Agardez) ở miền Bắc Nigiê, nơi được coi là "cửa ngõ vào sa mạc". Từ thế kỷ 15, thị trấn lịch sử này đã trở thành giao điểm gặp gỡ của các đoàn thương gia, là trung tâm tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc ở khu vực Xahara. Thị trấn có những công trình nổi tiếng làm từ gạch bùn sống, loại gạch được làm từ đất bùn, rơm rạ rồi để khô dưới ánh nắng mặt trời, như đền thờ Hồi giáo với ngọn tháp đồ sộ, cung điện của nhà vua được xây từ thế kỷ 15...
Theo TTXVN