Mục đích của hội thảo là tạo ra một diễn đàn nhằm đi đến giải pháp hòa bình và mang tính pháp lý, góp phần giải quyết những thách thức hàng hải mà ASEAN đang phải đối mặt. Đông đảo học giả từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản đã tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, Giám đốc ISIS - Tiến sĩ Thitinan Pôngxuhirắc (Thitinan Pongsudhirak) nhấn mạnh ASEAN đã có lịch sử phát triển 46 năm và đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực, vì vậy sự đoàn kết và thống nhất trong khu vực rất quan trọng trong việc ứng phó với những thách thức hàng hải ở Biển Đông. Hội thảo sẽ tạo sự liên kết giữa các nước liên quan để tìm ra một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp hiện nay trên Biển Đông. Trong khi đó, ông Niun Maung Sêin (Nyunt Maung Shein), đại diện của Mianma - nước sẽ tiếp quản vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2014, khẳng định các biên liên quan cần đạt được lòng tin chiến lược - điều đã được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu quan trọng của ông tại Đối thoại Shangri-La ở Xinhgapo vừa qua. Sự tin cậy lẫn nhau giữa các bên là hết sức quan trọng và sẽ tạo cơ sở để giải quyết những tranh chấp hiện nay. Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, đại diện của Việt Nam tại cuộc hội thảo, nhấn mạnh các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông trong nhiều năm qua.
Theo ông, ASEAN cần đoàn kết trong việc bày tỏ quan điểm đối với những tranh chấp trên Biển Đông. Tất cả các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, các tuyên bố và nguyên tắc đã được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc. Các nước ASEAN cần có chung tiếng nói về vấn đề này dựa trên những gì mà các nước thành viên đã thỏa thuận, đồng thời cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo TTXVN