Ông Ban Ki Mun nói rằng trên thực tế hạn hán là một diễn biến thời tiết rất khó tránh, nhưng hậu quả của nó lại rất nặng nề. Đặc biệt, trong những năm gần đây, do bị tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng trở nên thường xuyên, khắc nghiệt và bao trùm nhiều khu vực rộng lớn trên Trái Đất. Hạn hán không có biên giới, do đó để khắc phục những hậu quả của nó, rất cần sự hợp tác và nỗ lực chung của các quốc gia, nhất là trong việc bảo vệ nguồn nước ngọt phục vụ cuộc sống con người, gia súc và canh tác, hiện chỉ chiếm 2,5% tổng nguồn nước của Trái Đất.
TTK LHQ đặc biệt nhấn mạnh những tác động tiêu cực của nạn hạn hán và tình trạng sa mạc hóa tới cuộc sống con người, vật nuôi, trong đó có việc bảo đảm an ninh lương thực. Ông kêu gọi các quốc gia thông qua những chính sách cụ thể để phòng chống hạn hán và sa mạc hóa, đồng thời mở rộng việc trao đổi thông tin và hợp tác quốc tế để bảo vệ tài nguyên đất và nước, phục vụ quá trình phát triển chung của nhân loại. Theo ông, hơn bao giờ hết, các quốc gia thành viên LHQ cần thông qua những biện pháp cụ thể để thực hiện triệt để Nghị quyết của Hội nghị Cấp cao toàn cầu về đấu tranh chống hạn hán và sa mạc hóa, vừa được tổ chức hồi tháng 3 vừa qua tại Giơnevơ (Geneva, Thụy Sĩ).
Theo tính toán của các chuyên gia môi trường và nông nghiệp của LHQ, trong vòng 20 năm tới, nhu cầu về lương thực, năng lượng và nước ngọt trên toàn thế giới sẽ tăng lần lượt là 50% , 40% và 35%, do vậy, một yêu cầu bức thiết đang được đặt ra để bảo vệ tài nguyên đất, nước và các nguồn năng lượng khác, và chỉ có như thế, những nhu cầu trên mới có thể được đáp ứng đầy đủ.
Theo TTXVN