Điều đó chứng tỏ sự thắng thế của chủ nghĩa ôn hòa trước chủ nghĩa bảo thủ cứng rắn trong bối cảnh Iran đang đứng trước những khó khăn lớn cả về kinh tế và đối ngoại. Chiến thắng vang dội của ứng cử viên Rôhani được kỳ vọng sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông với gần 80 triệu dân này.
Việc ông Hátxan Rôhani (Hassan Rowhani) giành được tới 18,6 triệu phiếu bầu, tương đương 50,68% tổng số phiếu, bỏ xa hai ứng cử viên là Thị trưởng Têhêran Môhamát Bagơ Calibáp (Mohammad Bagher Qalibaf) và nhà đàm phán hạt nhân Xaít Gialili (Saeed Jalili) hoàn toàn trái ngược với dự đoán của các nhà phân tích và giới truyền thông do các ứng cử viên thuộc phe bảo thủ chiếm đa số trong danh sách bầu cử và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tinh thần Ayatôla Ali Khamêni (Ayatollah Ali Khamenei). Việc có tới gần 73% trong số hơn 50,5 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu cũng phần nào cho thấy sự quan tâm rất lớn của cử tri tới cuộc bầu cử. Điều đó cũng dễ hiểu bởi cử tri Iran đang hy vọng có một sự thay đổi thực sự ở quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh Iran đang đứng trước vô vàn khó khăn do các biện pháp cấm vận kinh tế và tài chính của Mỹ và các nước phương Tây. Không chỉ bị thất thu hàng chục tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, nước Cộng hòa Hồi giáo này còn phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp cao và đồng nội tệ mất giá thảm hại.
Với quan điểm ôn hòa, nhiều người hy vọng chiến thắng của ông Rôhani sẽ giúp làm dịu bầu không khí căng thẳng đang bao trùm mối quan hệ giữa Iran và phương Tây. Nhiều khả năng chính phủ mới do ông Rôhani đứng đầu sẽ có cách tiếp cận linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với Mỹ và các cường quốc thế giới, từ đó đưa đất nước này thoát khỏi tình trạng bị cô lập do các biện pháp trừng phạt cứng rắn và từng bước cải thiện tình hình kinh tế trong nước. Trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Mamút Amađinêgiát (Mahmoud Ahmadinejad), tham vọng hạt nhân và lối tiếp cận cứng rắn trong vấn đề này đã khiến mối quan hệ giữa Têhêran và phương Tây luôn trong tình trạng căng thẳng. Bầu không khí của khu vực Trung Đông cũng thường xuyên nóng lên bởi các cuộc đấu khẩu và nguy cơ đối đầu quân sự giữa Iran và Ixraen. Không chỉ vậy, mối quan hệ giữa Iran với các nước láng giềng trong khu vực cũng không mấy “xuôi chèo mát mái” do sự cạnh tranh vai trò và ảnh hưởng địa chính trị cũng như sự ủng hộ của Têhêran đối với chính quyền của Tổng thống Xyri Basa An Átxát (Bashar al-Assad) và các phong trào đối lập của người Hồi giáo Siai (Shi''ite) tại một số nước Arập vùng Vịnh. Trong bối cảnh đó, chiến thắng của ông Rôhani được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa cho các cuộc đối thoại và đàm phán mang tính xây dựng giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và các cường quốc nhằm làm sáng tỏ mọi nghi ngờ xung quanh chương trình làm giàu urani gây tranh cãi của nước này. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ngoài các vấn đề kinh tế như giải quyết tình trạng thất nghiệp, ông Rôhani cũng cam kết xây dựng một sự tương tác mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế thông qua một chính phủ "khôn ngoan và hy vọng", đồng thời nỗ lực làm dịu những căng thẳng hiện nay với Mỹ và các nước phương Tây. Điều đó hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa bởi ngay sau khi ông Rôhani thắng cử, Mỹ và các nước Liên minh châu Âu đã khẳng định rằng "cánh cửa đối thoại" vẫn mở đối với Têhêran.
Một khi tâm trạng lạc quan qua đi, người dân Iran sẽ phải đối diện với thực tế khó khăn trước mắt. Lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ nhằm vào đồng nội tệ và ngành sản xuất ô tô của Iran bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-7 tới có thể sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng khủng hoảng kinh tế của quốc gia Hồi giáo này. Thế nhưng, đó cũng chính là thời điểm để người dân Iran thể hiện sự đoàn kết và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tân Tổng thống Hátxan Rôhani, người sẽ chính thức nhậm chức vào đầu tháng 8 tới, để từng bước biến những điều hy vọng trở thành hiện thực.
Theo TTXVN