Ôn toàn diện, phân bố lịch học ôn hợp lý
Nguyên tắc đầu tiên của việc ôn thi, nhất là khối C, là cần ôn toàn diện với một lịch học hợp lí, phân bố lịch học là điều quan trọng đối với khối C. Đừng quá lao vào những môn mình thích và bỏ bê các môn còn lại (tất nhiên việc đặt kế hoạch cần đi kèm với thực hiện kế hoạch). Không nên có suy nghĩ môn nào sẽ gỡ điểm cho môn nào, kiểu học thụ động không thể đem đến một kết quả khả quan.
Với môn Văn, theo Hưng, nên học từ việc nắm vững bố cục, kết cấu, nội dung và nghệ thuật chính của tác phẩm. Hãy viết điều đó vào tờ giấy đề cương, nắm thật vững chúng trước khi làm bất cứ điều gì khác. Đối với mảng đề thi Nghị luận xã hội, cần có ý thức tìm và sưu tập dẫn chứng từ các phương tiện truyền thông, tránh trùng lặp dẫn chứng sẽ khiến người chấm nhàm chán. Dẫn chứng luôn phong phú trên internet, cần sưu tập, chọn lọc và học thuộc thường xuyên để có thể vận dụng vào bài thi một cách linh hoạt.
Không có quá nhiều áp lực khi thí sinh
nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình học.
Môn Lịch sử là môn có thể đạt được điểm cao nhất, đừng coi nó là một môn học thuộc. Nên học Sử qua “3 bước vàng” mà cô giáo THPT đã dạy tôi: 1/ Đọc nội dung trong sách giáo khoa. 2/ Tự tóm tắt bài học ra giấy nháp. 3. Đọc lại sách và sửa lại. Khi làm tốt hai bước đầu, hãy ôn liên tục ở bước thứ 3/ Ôn tập dựa vào những từ khóa và khắc ghi nó trong đầu dựa vào những dấu hiệu đặc biệt. Có một cách hiệu quả là liên kết sự kiện. Ví dụ, khi học về sự kiện ngày 12/3/1945 là ngày Hội nghị Ban thường vụ mở rộng của TƯ Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chúng ta có thể “gợi nhớ” đến một ngày tương tự là 12/3/1947, Hội nghị Truman ở phần Lịch sử thế giới chẳng hạn. Việc liên hệ các sự kiện sẽ giúp chúng ta ôn bài hiệu quả, giúp việc nhớ không bị lẫn lộn.
Môn Địa lí là môn thiên hướng tự nhiên nhất (cần đến tính toán). Hãy ôn tập theo dạng bài. Viết thành từng dạng cụ thể theo từng chương. Ví dụ như phần “Tự nhiên” có những câu nào thuộc dạng giải thích, dạng chứng minh, dạng trình bày, dạng nêu điều kiện…, phần “Dân cư”, phần “Vùng” cũng làm tương tự như thế. Để làm được điều này, cần có một sự linh hoạt trong việc hiểu nội dung từng chương, tìm mối liên hệ giữa các bài. Việc ôn tập theo hệ thống là nên, ví dụ khi học phần dân số, cũng cần nhớ tới số liệu từng vùng. Để nhớ số liệu, hãy gán cho một điều đặc biệt gì đó đối với bạn cho dễ nhớ (ngày sinh người bạn chẳng hạn). Nên luyện vẽ biểu đồ nhiều lần, vẽ sao cho đúng và đẹp.
Phương pháp làm bài thi
Môn Văn: Việc lập dàn ý là điều nhiều bạn bỏ quên khi làm bài Văn. Hãy tập thói quen làm dàn ý trước khi thi bởi một trong những nguyên tắc quan trọng của một bài văn đạt điểm cao là viết văn có luận điểm. Một khi không lập dàn ý, bài văn không đạt kết quả cao do người viết tùy hứng, không có luận điểm. Đừng để mất điểm ở những lỗi không đáng có: Không có phần giới thiệu tác giả, tác phẩm (phần này được 0,5 điểm trong câu 5 điểm nhưng nhiều bạn bỏ qua); trình bày không đúng cách (thụt vào đầu dòng không đều nhau hoặc viết quá liền cũng như quá xa lề, trích dẫn chứng không cân xứng ở giữa trang giấy)… Ở phần Nghị luận xã hội, cần viết Văn trên tư cách là một công dân nhỏ tuổi quan tâm đến các vấn đề xã hội, đừng cố gượng giọng như một nhà chính trị, bài của bạn chắc chắn sẽ gây mất thiện cảm với người chấm. Nhớ rằng giọng điệu khi viết Văn rất quan trọng.
Môn Lịch sử: Cần trình bày bài Sử như một bài Văn (có mở, thân và kết). Trình bày một cách khoa học, tách ý như trong sách giáo khoa. Chỉ như vậy người chấm mới có cảm tình, những bài có ý nhưng rối rắm, xuống dòng không đúng chỗ sẽ bị mất điểm. Khi làm bài thi môn Sử, cần làm một cách khách quan, không đưa ý kiến cá nhân vào, bởi đó là việc của các nhà sử học.
Môn Địa lí: Đối với môn này, việc làm như Văn và Sử sẽ phản tác dụng. Hãy gạch từng ý rõ ràng và rành mạch, ý nhỏ hơn nên thụt vào một khoảng nhất định. Trình bày một cách rõ ràng sẽ gây thiện cảm với người chấm. Đối với kiểu bài vẽ biểu đồ, nên nắm vững các dạng biểu đồ qua từ khóa để nhận dạng cho đúng. Ví dụ như có “tỉ lệ” thì các bạn cần nghĩ ngay đến biểu đồ tròn, miền hoặc cột chồng, sau đó cần xem số lượng nằm trong dữ liệu để chọn cho đúng. Biểu đồ chiếm tới 3 điểm, ranh giới giữa đỗ và trượt nằm ở đây, do đó, nên bấm máy 3 lần trước khi điền vào bài thi. Tránh việc nhầm lẫn đáng tiếc về số liệu trong khi còn thừa thời gian hoang phí để rồi khi thi xong mới nuối tiếc “biết thế mình tính lại”…
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại