Nắm vững các điểm văn phạm căn bản
Theo thầy Hoàng Xuân Sơn – Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường THPT Quảng Xương 2 (Thanh Hóa): Để môn Tiếng Anh đạt kết quả cao, HS cần nắm vững các điểm văn phạm căn bản và cách làm bài thi trắc nghiệm. Các điểm văn phạm căn bản gồm sự hòa hợp giữa các thì, câu bị động, câu gián tiếp, mệnh đề tính từ, mệnh đề trạng từ, câu điều kiện, sự hòa hợp giữa chủ từ và động từ.
Luyện làm bài thi trắc nghiệm môn tiếng Anh. (Ảnh: Hải Tuấn)
Với thời thì của động từ: Chú ý sự khác nhau giữa thời hiện tại hoàn thành và thời quá khứ đơn; thời tương lai đơn và thời tương lai gần.
Câu điều kiện: Câu điều kiện loại 1 và loại 2 cùng đưa ra các điều kiện về hiện tại và tương lai nhưng loại 1 thì điều kiện đặt ra có khả năng xảy ra còn loại 2 thì điều kiện đặt ra không hoặc khó có khả năng xảy ra.
Chủ động và bị động: Chú ý sự khác nhau giữa cặp động từ raise (ngoại động từ, có nghĩa là nâng lên, nhấc lên) và rise (nội động từ, có nghĩa là tăng lên hoặc mọc lên); lay (ngoại động từ, có nghĩa là đặt, để cái gì) và lie (nội động từ, có nghĩa là nằm).
Lời nói gián tiếp: Khi động từ dẫn ở các thời quá khứ thì động từ ở lời nói gián tiếp được lùi một thời so với lời nói trực tiếp, các đại từ và trạng từ chỉ thời gian và địa điểm cũng có những sự thay đổi. Câu điều kiện loại 2 và loại 3 trong lời nói gián tiếp giữ nguyên thời so với lời nói trực tiếp.
So sánh tính từ và trạng từ: Những tính từ và trạng từ có sự thay đổi không theo quy tắc như good hoặc well chuyển thành better (so sánh hơn) và best (so sánh cao nhất; hay bad hoặc badly chuyển thành worse (so sánh hơn) và worst (so sánh cao nhất).
Mệnh đề quan hệ: that có thể được dùng để thay thế which hoặc who trong mệnh đề quan hệ hạn định nhưng lại không được dùng để thay thế trong mệnh đề quan hệ không hạn định.
Muốn có điểm cao học sinh cần luyện từ nhiều. Làm nhiều bài tập luyện để có kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức. Tập trung vào từng mảng kiến thức, vận dụng kiến thức cả lý thuyết và cấu trúc câu.
- Cấu trúc đề vẫn thường là 50 câu trắc nghiệm cho các phần như sau:
- Ngữ âm (5 câu)
- Từ vựng và Ngữ pháp (25 câu)
- Đọc hiểu (10 câu): 5 câu đọc và chọn câu trả lời về bài đọc; 5 câu chọn từ hoặc cụm từ để hoàn thành bài văn)
- Viết (10 câu): 5 câu chữa lỗi sai; 5 câu hoàn thành câu bằng một mệnh đề hay một cụm từ, hay chọn một câu hoàn chỉnh từ những từ cho sẵn, hay chọn câu gần nghĩa nhất với câu đã cho)
Nên đọc kỹ đề bài để có định hướng tốt cho phần làm bài.
Quan trọng nhất là phần ngữ pháp
Đỗ Thị Mỹ Duyên, lớp Anh 9 ngành Tài chính quốc tế, khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Ngoại thương (Tổng điểm thi ĐH năm 2012 là 26 điểm, Toán 8,75; Văn 8,5; Tiếng Anh 9) cho biết, với đề thi tiếng Anh, thí sinh cần nắm vững những kiến thức cơ bản. Thật chăm chỉ, làm nhiều bài tập và khi làm phải hiểu được tại sao lại là như thế, do cấu trúc nào, tại sao lại sai, phải sửa lại như thế nào cho đúng. Mỗi khi phát hiện ra lỗ hổng kiến thức ngữ pháp thì nên chuẩn bị một cuốn sổ tay ghi lại tất cả những cấu trúc mình sử dụng sai đó để lần sau không bao giờ “tái phạm” nữa.
Trong môn tiếng Anh, phần quan trọng nhất luôn là phần ngữ pháp. Tìm các bài tập ngữ pháp từ các nguồn như sách, báo, internet… để thực hành, để học tốt được ngữ pháp thì các bạn cần phải luyện tập thật nhiều cho tới khi sử dụng nó một cách dễ dàng
Với bài thi trắc nghiệm, phải học tốt tự luận mới làm tốt trắc nghiệm. Ưu thế của trắc nghiệm là không phải viết, vì thế tránh việc sơ suất lỗi chính tả, và không bao giờ bỏ trống bài thi. Khi làm bài thì đọc qua bài đọc, bài điền từ xem mình đã gặp bao giờ chưa, nếu gặp rồi thì làm ngay. Nếu không thì quay sang phần bài tập mà mình thích làm nhất hoặc thấy mình học tốt nhất (ví dụ tìm lỗi sai). Đọc bài đọc và cố gắng dựa vào văn cảnh để hiểu nghĩa, gặp từ không hiểu cũng không sao. Làm xong bài đọc và điền từ là đã được 50% quãng đường, các câu còn lại cứ làm cẩn thận và chắc chắn, tô trước vào đề và tô ngay vào giấy thi, đọc kỹ đề bài tránh bỏ sót từ NOT, đọc kỹ hết 4 đáp án, tô đáp án cẩn thận tránh bị lệch ô.
Sau khi làm xong kiểm tra lại ít nhất 3 lần, lần 1 xem đáp án mình viết trong đề thi đã đúng chưa, nếu phân vân giữa 2 đáp án thì nên chọn đáp án dầu tiên mình nghĩ đến, lần 2 xem đáp án trong đề và giấy thi đã đúng chưa. Lần 3 xem lại tổng quát trước khi nộp bài.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại